MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

ĐBQH tranh luận việc giao tư nhân hay Nhà nước làm sân bay Long Thành

Đặng Chung - Cao Nguyên LDO | 12/11/2019 14:29
Ngoài ý kiến đề nghị nên giao ACV đầu tư làm sân bay Long Thành, không ít đại biểu cũng băn khoăn việc ACV huy động vốn sẽ ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án…

Đầu tư có lãi, khi nào bàn giao trả Nhà nước?

Sáng 12.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, tổng mức đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 khoảng 4,779 tỉ USD (khoảng 111.689 tỉ đồng). Nguồn vốn thực hiện là từ doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác.

Chính phủ đề xuất giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 dự án. Theo báo cáo, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỉ USD, tương đương khoảng 98.014 tỉ đồng.

Thảo luận tại hội trường về dự án này, một số vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra, như vốn mà ACV huy động ảnh hưởng đến nợ công, tiến độ thực hiện và giải ngân dự án…

Theo đó, ACV cho biết vốn tự có là 1,57 tỉ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Muốn như vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỉ USD.

Việc này có ảnh hưởng như thế nào đến nợ công?

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là dự án đặc biệt quan trọng, có vốn đầu tư lớn, thời gian thực hiện là 5 năm.

 Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình).

Theo đại biểu Thân, ACV là công ty có vốn đầu tư nhà nước là chủ yếu nhưng vẫn là đơn vị kinh doanh. Vậy ACV có ký với Chính phủ quản lý bao nhiêu năm thì bàn giao lại cho Nhà nước hay không, hay sẽ có quyền khai thác mãi?

“Trong dự án phải nêu rõ điều này, sau khi thu hồi vốn và đầu tư có lãi thì bao giờ bàn giao lại cho Nhà nước?” - đại biểu Thân đặt câu hỏi.

Đại biểu đoàn Thái Bình cũng băn khoăn về vốn đầu tư và thời gian thực hiện dự án.  

“Đây là dự án có tác động xã hội lớn, vấn đề giải tỏa mặt bằng, đền bù, dự báo trước sẽ khó khăn.

Tình đến tháng 8.2019 mới giải ngân có 1,07%, tương đương giải ngân được khoảng 123 tỉ đồng. Dự kiến năm 2019 chỉ đạt 5,75%, như vậy chỉ còn trên một năm theo tiến độ phải giải tỏa xong. Trong khi việc giải tỏa phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, giá mỗi ngày lên cao hơn, chúng ta đưa ra tiến độ thực hiện sân bay từ 2020-2025, tức là trong 5 năm, tôi nghĩ rằng khó thực hiện” - đại biểu Thân nói.

Ông kiến nghị, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 nếu giao cho ACV và VATM thực hiện thì không giao cả 4 hạng mục mà phải có hạng mục giao cho một công ty có vốn ngoài nhà nước 100%, vì sẽ có tính cạnh tranh rất cao. Ngoài ra, cần dùng vốn tự có và huy động vốn vay, không dùng vốn ODA.

Trong 5 năm sau khi tiếp nhận các hạng mục, UBND tỉnh Đồng Nai và ACV nếu chấp nhận vừa thực hiện giải tỏa, đền bù vừa thi công để đảm bảo hoàn thành theo tiến độ, thì ACV phải chịu trách nhiệm, cũng như chất lượng công trình.

Ngoài ra, đại biểu Thân đề nghị ACV phải tính toán kỹ là khai thác trong bao nhiêu năm, khi nào bàn giao cho nhà nước trên cơ sở thu hồi vốn và có lãi.

"Sun Group làm được Vân Đồn, tại sao ACV không làm được, trong khi ACV có tiềm lực"

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lo ngại, theo báo cáo giải trình thì ACV chỉ đáp ứng được 1/3 vốn cho dự án, còn hơn 2,6 tỉ USD phải đi huy động.

“ACV là doanh nghiệp nhà nước sở hữu 95% vốn, nếu có rủi ro gì thì nhà nước vẫn phải gánh chứ không thế nói không bảo lãnh thì không có trách nhiệm gì”, đại biểu Cường nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương). 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) không đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường. Ông cho rằng nếu giao cho 1 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện làm như ACV thì tương lai cả nước sẽ có một công nghiệp hàng không, điểm nhấn cho tăng trưởng kinh tế.

“Sun Group làm được Vân Đồn, tại sao ACV không làm được, trong khi ACV có tiềm lực"- ông Hồng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn