MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nông dân tại Hậu Giang đang "Khóc ròng" trước diện tích lúa ngập sâu trong nước của mình

ĐBSCL: Mưa giông "san phẳng" nhiều ruộng lúa.

HOÀNG TÂN LDO | 20/07/2018 11:35
Trời mưa lớn kèm theo giông lốc trên diện rộng ở ĐBSCL những ngày qua đã làm cho nhiều hecta lúa hè thu (HT) trổ, chín tại Hậu Giang và Sóc Trăng đổ rạp, ngập chìm trong nước.

Mới bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng nhiều nông dân ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3 TX.Ngã Năm (Sóc Trăng) không khỏi lo lắng trước mực nước nội đồng tăng cao cộng với thời tiết mưa nhiều.

Ông Dương Văn Lực, nông dân Khóm Vĩnh Mỹ, cho biết:  Liên tục cả tuần nay, do ảnh hưởng của triều cường dâng cao, cộng với thời tiết mưa nhiều đã làm mực nước nội đồng trên địa bàn vùng trũng TX. Ngã Năm lên cao, ngập úng nhiều diện tích lúa sắp thu hoạch. 

Chỉ tay về 7 công lúa sắp thu hoạch của mình ông Lực nói: “Lúa này đã quá 3 ngày thu hoạch nhưng mưa kiểu này hoài thì vô phương thu hoạch rồi, bữa giờ ngày nào cũng mưa, lúa thì nằm sâu trong nước thối hết rồi, lúa thế này chỉ còn cách bán cho người nuôi vịt”

Lúa ngập sâu trong nước khiến cho nông dân điêu đứng vì năng suất thấp

Không chỉ gây khó khăn cho bà con đang thu hoạch mà mưa dầm còn làm cho nhiều diện tích lúa HT tại  Hậu Giang bị đổ ngã dẫn đến khó thu hoạch, lượng lúa bị thất thoát nhiều, chi phí tăng, nhất là không thể cắt bằng máy.

Hướng về những người cắt lúa đang thu hoạch bằng tay gần 1ha đất ruộng của gia đình, ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay:

“Do mưa lớn trong những ngày qua đã làm lúa đổ ngã khoảng 80% diện tích và cây lúa đang bị ngập trong nước. Sợ bông lúa bị ngâm trong nước lâu khiến lúa lên mộng làm ảnh hưởng đến chất lượng nên tôi và nhiều bà con nơi đây chọn phương án mướn người cắt lúa bằng tay cho nhanh hơn và phải chấp nhận trả tiền thuê cắt ở mức cao”.

Hiện giá thuê cắt lúa bằng tay ở mức 500.000 đồng/công (1.300m2), cộng thêm tiền mướn trâu kéo lúa bó lên bờ kênh (150.000 đồng/công) và tiền thuê máy tuốt lúa (150.000 đồng/công) thì tính ra mỗi công lúa nông dân mất 800.000 đồng tiền thu hoạch, trong khi tiền thuê máy cắt đang ở mức 280.000 đồng/công đối với lúa đứng trên nền đất khô ráo, còn lúa bị sập thì mức giá dao động từ 300.000-350.000 đồng/công.

Để giảm chi phí trong việc thuê cắt và bán được lúa tươi ngay ngoài đồng, hiện nhiều nông dân ở xã Tân Long, TX. Ngã Năm (Sóc Trăng) có lúa trong giai đoạn thu hoạch tích cực buộc lúa bị đổ ngã đứng lên thành chùm cho ráo nước và hợp đồng bơm nước đồng loạt theo từng khuôn để máy cắt vào thu hoạch được.

Ông Nguyễn Thanh Thương, ở ấp 18, xã Tân Long, thông tin: 

“2 ngày qua, mưa đã giảm nên sau khi buộc những bông lúa bị sập đứng lên thành chùm, tôi và một số hộ có ruộng cặp ranh lấy máy ra bơm rút nước theo từng diện tích lúa của mỗi người.

Giờ nước đã gần cạn và máy cắt đang nằm chờ trên bờ mẫu, khi có nắng sẽ tiến hành xuống thu hoạch lúa ngay nên cũng thấy phấn khởi. Do lúa bị đổ ngã nên năng suất có thể bị giảm so với dự tính ban đầu là chuyện khó tránh khỏi. Bởi lúa bó thành chùm không được ráo nước nên khi tuốt thì hạt lúa sẽ bị cuốn theo rơm rạ thổi ra ngoài”.

Nông dân Sóc Trăng chọn cách buộc những bông lúa bị sập đứng lên thành chùm để trời nắng thu hoạch
Nhiều hecta lúa Thu đông sớm tại huyện Long Mỹ cũng trôi theo dòng nước
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, chỉ riêng huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang mưa dầm trong những ngày qua đã làm cho gần 250ha lúa HT trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn huyện bị đổ ngã, với tỷ lệ ảnh hưởng khoảng 30% diện tích, năng suất có thể bị giảm từ 5-10%; riêng đối với lúa Thu đông sớm có khoảng 35ha bị ngập úng, ước thiệt hại từ 5-10% nhưng đang được nông dân tích cực bơm nước cứu lúa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn