MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: PV

ĐBSCL: Trúng mùa đậm, giá lúa tăng cao

trần lưu LDO | 25/03/2020 14:17

Trái hẳn với nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch bệnh, vùng ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân muộn trong sự phấn khởi vì giá lúa tăng đỉnh điểm. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đang khai thác mọi lợi thế, cơ hội để “biến nguy thành cơ” nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển trong tình hình khó khăn do dịch bệnh hiện nay.

Phấn khởi từ ruộng đồng ra cửa khẩu

Vừa thu hoạch hơn 1,5ha lúa Đông xuân (giống OM 5451), bà Mai Hồng Thắm (ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cười nói: “Vụ lúa năm nay, năng suất đạt 1,1 tấn/công, tăng hơn vụ lúa Đông Xuân năm trước khoảng 200kg/công. Không riêng gì ruộng của tui mà các cánh đồng lúa xung quanh đều đạt năng suất cao như vậy, thậm chí có hộ còn trúng hơn”. 

Ông Nguyễn Hoàng Thệ, canh tác hơn 1ha lúa tại ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Do tình hình dịch hại ít và thời tiết thuận lợi cho cây lúa phát triển nên vụ lúa Đông Xuân năm nay, chi phí đầu tư cho một công chỉ tầm khoảng 2 triệu đồng. Như vậy, với năng suất và giá bán như trên, người dân có thể kiếm được nguồn lợi nhuận hấp dẫn từ 25-40 triệu đồng/ha”.

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, lúa tươi  Jasmine 85 và Đài Thơm 8 ngay tại ruộng được thu mua ở mức 5.200-5.500 đồng/kg, trong khi trước đây giá chỉ ở mức 4.800-4.900 đồng/kg. Tương tự, giá lúa tươi IR 50404 và các loại lúa OM như OM 5451, OM 9577, OM 9582… hiện ở mức 5.000-5.300 đồng/kg, trong khi trước đây giá 4.400-4.700 đồng/kg…

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kết thúc tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu được hơn 900.000 tấn gạo, đạt trên 430 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Nổi bật là giá gạo từ sau Tết Nguyên đán đến nay được các doanh nghiệp trong nước ký hợp đồng với đối tác luôn tăng thêm từ 30-50 USD/tấn. Chính vì vậy, giá gạo luôn được điều chỉnh trong tuần và điều này ít có xảy ra khi trước đây là điều chỉnh trong tháng hoặc quý. Hiện tại, có không ít doanh nghiệp trong nước đã ký được hợp đồng lớn trong xuất khẩu gạo với nhiều nước và dự báo thị trường lúa gạo tiếp tục ổn định đến hết quý II tới. Từ tình hình thuận lợi trên đã có sự tác động tích cực và đang mang lại “mùa vàng” cho nông dân tại các địa phương vùng ĐBSCL…

“Cơ hội vàng” cho xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã bán được 928.798 tấn gạo với trị giá gần 430,5 triệu đôla Mỹ. Trong đó, xuất khẩu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt 66.222 tấn với trị giá trên 37 triệu đôla Mỹ, tăng đến 594,59% về lượng và 723,62% về giá trị so với cùng kỳ.

Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, hiện nay, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới - đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn. Sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn. Việt Nam cũng bị hạn mặn song diện tích nhỏ chỉ khoảng 28.000ha lúa bị ảnh hưởng. Do đó, Việt Nam có nguồn cung gạo khá dồi dào. Đó là chưa kể, 2 vụ trước Việt Nam đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh, không lo chuyện thiếu hụt, đảm bảo đủ sản lượng cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Việc Trung Quốc và một số quốc gia khác ồ ạt nhập khẩu gạo của Việt Nam có nguyên nhân do nước này đã bán hết gạo trữ trong kho trong khoảng thời gian nửa cuối năm 2019. Trong khi sản xuất trong nước họ không đáp ứng đủ nhu cầu, bị trì trệ cho dịch bệnh COVID-19.

Đến nay, dịch bệnh vẫn đang tác động khốc liệt đến nền kinh tế các nước, nhu cầu về tích trữ lương thực, lúa gạo tại các nước, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tăng lên. Do đó, gạo Việt Nam cần nhân cơ hội này đẩy mạnh xuất khẩu. “Hiện vùng ĐBSCL đang thu hoạch lúa Đông Xuân, nhiều nơi đã thu hoạch xong và đang xuống giống vụ mới. Vùng nước ngọt của chúng ta có thể làm tới 3 vụ lúa, chỉ có vùng mặn là không khuyến khích trồng lúa. Từ Đồng Tháp qua Long An, Tiền Giang, rồi đến An Giang, Kiên Giang… chúng ta dư sức để sản xuất lúa gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa đảm bảo xuất khẩu”, GS Võ Tòng Xuân phân tích.  

Theo thống kê, vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng ĐBSCL xuống giống được hơn 1,5 triệu ha. Năng suất lúa bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, tăng từ 0,2 - 0,4 tấn/ha so với cùng kỳ. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và chưa dự báo được thời điểm kết thúc, vấn đề lương thực, thực phẩm là hai nhóm phải đảm bảo đối với ngành nông nghiệp. Do đó, tranh thủ những mặt thuận lợi về thị trường đầu ra và để đảm bảo an ninh lương thực, các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cần phát huy những mặt tích cực trong canh tác lúa để vừa đảm bảo về diện tích, năng suất, chất lượng vừa hạn chế thiệt hại do tình hình biến đổi khí hậu…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn