MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần nới quy định khách hàng lớn mới được mua bán điện trực tiếp. Ảnh: Nguyễn Hùng

Để doanh nghiệp sớm có tín chỉ xanh, nên mở rộng đối tượng được mua điện tái tạo trực tiếp

Cường Ngô LDO | 24/05/2024 10:00

Quy định khách hàng dùng điện 500.000 kWh/tháng mới được mua bán trực tiếp trong dự thảo của Bộ Công Thương gây nhiều ý kiến trái chiều. Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, trước nhu cầu cấp bách phải sử dụng năng lượng tái tạo để sớm có tín chỉ xanh của doanh nghiệp trong xu thế hiện nay, nên mở rộng đối tượng, đặc biệt qua đường dây riêng, không tạo áp lực cho lưới điện quốc gia.

Nên mở rộng đối tượng

Tại dự thảo Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Bên cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới; hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng. Tức không bao gồm các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối.

Trong cả hai trường hợp, bên mua là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.

Tuy nhiên, tại thông báo mới này, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách mới về DPPA nhưng còn chậm và có nhiều vấn đề cần làm rõ.

Với bên mua, bán ký hợp đồng trực tiếp và kết nối bằng đường dây riêng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dự thảo Nghị định phải nêu rõ Quy hoạch điện VIII không hạn chế quy mô công suất, các dự án năng lượng tái tạo. Tức là, các dự án điện mặt trời mái nhà hay điện rác, sinh khối không giới hạn công suất có thể nằm trong nhóm được thực hiện cơ chế này.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết, trước nhu cầu cấp bách phải sử dụng năng lượng tái tạo để sớm có tín chỉ xanh của doanh nghiệp trong xu thế hiện nay, nên mở rộng đối tượng, đặc biệt qua đường dây riêng, không tạo áp lực cho lưới điện quốc gia.

"Quan trọng là công suất phát có đáp ứng được không, dự án năng lượng tái tạo đó có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng không? Nếu có, nên mở rộng cho nhiều đối tượng tham gia. Còn khách hàng dùng điện lớn, có thể đã có đầu tư điện mặt trời rồi, không có nhu cầu mua trực tiếp. Trong khi những đơn vị dùng điện khác, sản lượng tiêu thụ thấp hơn con số 500.000 kWh/tháng, nhưng nhu cầu được mua điện tái tạo trực tiếp là có thực.

Góp ý cho dự thảo nghị định, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể nên mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.

Bộ Công Thương nói gì?

Nói về việc xây dựng Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết, dự thảo nghị định xây dựng nội dung 2 chính sách về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia. Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng sẽ được thực hiện đơn giản, giá điện được thỏa thuận giữa các bên.

Còn việc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là trường hợp phổ biến, thường áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát thực hiện mua điện qua thị trường điện giao ngay. Theo đó, khách hàng có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá, chi phí dịch vụ và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác mà khách hàng phải trả.

Ông Hòa cho hay, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ chế DPPA giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn