MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu giúp thị trường cạnh tranh đúng nghĩa

Anh Tuấn LDO | 29/03/2024 11:24

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, với điểm mới nhất là cho các doanh nghiệp được quyền tự quyết giá. Dự thảo này dự kiến sẽ thay thế cho ba nghị định về kinh doanh xăng dầu gồm nghị định 83/2014, nghị định 95/2021 và nghị định 80/2023.

Thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa

Điểm đáng chú ý nhất của dự thảo sửa đổi lần này là công thức và cơ chế giá xăng dầu.

Ở lần xây dựng nghị định mới, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước không điều hành giá xăng dầu, mà công bố giá thế giới bình quân 15 ngày và một số chi phí cố định (tỉ giá ngoại tệ, chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, các loại thuế, phí). Dựa trên dữ liệu này, các doanh nghiệp đầu mối sẽ tự đưa ra giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này.

"Quy định này nhằm giảm sự can thiệp của Nhà nước vào quyết định giá bán của doanh nghiệp", Bộ Công Thương nêu.

Cơ quan này cho rằng, để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán sẽ giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia hai vùng tại đô thị, nông thôn hiện nay.

Trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh thực hiện theo kỳ 15 ngày một lần.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Trao đổi với Lao Động ngày 29.3, ông Đặng Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam - cũng đồng tình với việc khi sửa nghị định về kinh doanh xăng dầu cần giao quyền quyết định giá cho doanh nghiệp. Điều này mới khiến thị trường xăng dầu cạnh tranh đúng nghĩa.

"Do vậy, việc đưa mặt hàng xăng dầu tiến tới thị trường càng sớm càng tốt, nhưng phải hội tụ đầy đủ các yếu tố về tự do nhập khẩu, tự do phân phối", ông Phương cho hay.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cũng đồng tình với phương án này. Ông cho rằng, điều này phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu có nhiều biến động phức tạp, các phát sinh chi phí chỉ được tính vào giá bán xăng dầu 3 tháng hoặc 6 tháng 1 lần, khiến doanh nghiệp chịu thiệt.

Bởi công thức tính giá bình quân gia quyền của các doanh nghiệp xăng dầu vô hình trung khiến một số doanh nghiệp lợi lớn, nhưng cũng khiến số doanh nghiệp khác chịu lỗ. Do vậy, nếu để doanh nghiệp tự tính giá bán lẻ, với công thức tính giá của cơ quan quản lý, doanh nghiệp có thể căn cứ trên các chi phí của mình để đưa giá ra bán lẻ.

Cần xây dựng mô hình thành phần kinh doanh xăng dầu tách biệt

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát - cho rằng, cơ quan soạn thảo cần quy định tỉ lệ chi phí định mức và lợi nhuận định mức trong giá bán lẻ, tối thiểu 1.000 đồng/lít. Chiết khấu thương mại sẽ thực hiện theo quy định về chiết khấu và theo thỏa thuận giữa các chủ thể (doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ).

Theo ông Thắng, nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần xây dựng mô hình thành phần kinh doanh xăng dầu tách biệt, độc lập và minh bạch. Trong đó, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối phải tách biệt rõ ràng, không mua bán, chuyển giá lòng vòng khiến lợi nhuận các khâu bị triệt tiêu, dẫn đến bất ổn thị trường. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng khâu trong thị trường xăng dầu.

"Để ngăn chặn các hành vi gian lận, câu kết với nhau hình thành tập đoàn lợi ích kinh doanh xăng dầu, ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối không được ký ngang hàng với doanh nghiệp đầu mối cùng cấp.

Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cần quy đổi giao nhận nội địa về D15 (xác định giá trị khối lượng riêng quy đổi của xăng dầu tại nhiệt độ 15 độ C trong quản lý đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu) để công bằng với doanh nghiệp bán lẻ; hạn chế và triệt tiêu hành vi trốn thuế của một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu khi lợi dụng chênh lệch nhiệt độ để thu lợi bất chính", ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho rằng, cần tách bạch dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông để doanh nghiệp gia tăng tài chính, đảm bảo trách nhiệm và nhiệm vụ tạo nguồn, chống đứt gãy và lợi dụng lũng đoạn thị trường như thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn