MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Muối Bạc Liêu chất lượng cao, sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng đời sống người làm muối không khá giả. Ảnh: Nhật Hồ

Để hạt muối không… chết khô

NHẬT HỒ LDO | 28/11/2022 16:51
Bạc Liêu – Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ Hoài Lang năm 2022, chiều 28.11, lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo khoa học giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành tôm và muối Bạc Liêu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận nhấn mạnh: Khi nhắc đến hạt muối thì Bạc Liêu vốn nổi tiếng là một tỉnh có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có lịch sử nghề làm muối từ rất lâu đời, người ta gọi muối Bạc Liêu là “muối Ba Thắc” và đặc biệt là với điều kiện tự nhiên đặc thù của tỉnh nên muối Bạc Liêu rất nổi tiếng về chất lượng, muối có độ mặn nhưng không đắng, chát.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Cận phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Nhật Hồ

Nghề muối tại Bạc Liêu trải qua hơn 100 năm phát triển, mang đầy đủ tính chất của một nghề thủ công truyền thống và mang đầy đủ các đặc trưng của đời sống dân gian, được truyền nghề qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, có gia đình đã đến thế hệ thứ 6 nối nghiệp.

Sản phẩm muối ăn Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ công nhận chỉ dẫn địa lý năm 2013 và cuối năm 2020, nghề muối tỉnh Bạc Liêu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhiều sản phẩm từ muối được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao, cho đến nay. Muối Bạc Liêu được đưa vào thị trường Nhật Bản, đã khẳng định được thương hiệu và có một vị trí nhất định trên thị trường trong, ngoài nước.

Năm 2022, sản lượng muối Bạc Liêu chưa đến 16.000 tấn, thấp nhất từ trước đến nay, diêm dân rất khó khăn nếu độc canh hạt muối. Ảnh: Nhật Hồ

Hội thảo hôm nay tìm giải pháp tháo gỡ những “nút thắt” hay “điểm nghẽn” trong quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, phổ biến cách làm hay, triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu, diện tích sản xuất muối năm 2022 là 1.411 ha. Diện tích giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

Dù muốn Bạc Liêu nổi tiếng nhưng sản phẩm từ muối còn đơn điệu, thương hiệu chưa mạnh để ra thị trường. Thời gian gần đây, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đã tạo ra một số sản phẩm từ muối nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hạt muối. Ảnh: Nhật Hồ

Sản lượng muối năm 2022 đạt 15.698 tấn, mức thấp nhất từ trước đến nay do thời tiết biến đổi phức tạp, mưa nhiều.

Hiện tại, diện tích sản xuất theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh chiếm 7,35% tổng diện tích sản xuất. Hiện nay, 10 sản phẩm muối đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Người sản xuất muối thủ công cơ bản đang bán muối thô, chất lượng thấp nên không được giá.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận liên quan đến việc nâng cao giá trị hạt muối; xây dựng chuỗi liên kết, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng muối, xây dựng nhiều sản phẩm từ hạt muối... Tất cả nhằm giúp diêm dân sống được bằng nghề muối, không để hạt muối... chết khô trên đồng muối.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn