MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp tư nhân đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp. Ảnh: Kh.V

Để phát triển, hộ kinh doanh cá thể không thể "nằm" ngoài luật

L.V LDO | 28/11/2019 17:48
Hiện nay Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm tới 30% GDP. Nếu được hỗ trợ vốn, đầu tư bài bản và chuyển thành doanh nghiệp, mức đóng góp vào GDP còn cao hơn nữa. 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn muốn “nằm im tại chỗ”, giữ nguyên mô hình, hình thức kinh doanh nhỏ lẻ với quy mô vốn thấp. Với mô hình kinh doanh này, không cần phải khai báo thuế định kỳ, thuế thu nhập cá nhân, nghĩa vụ thuế…

Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh doanh cá thể còn gặp phải mâu thuẫn: Để đáp ứng nhu cầu phát triển như mở thêm chi nhánh, sử dụng nhiều nhân viên hay vay vốn ngân hàng… thì cần phải chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp; nhưng bản thân lại muốn giữ nguyên mô hình cá thể để né thuế, né thanh tra và nhiều thủ tục rườm rà khác.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, một trong những bất cập lớn được các địa phương và DN phản ánh hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác.

“Sự trùng lặp này khiến các doanh nghiệp khi làm thủ tục phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau. Chi phí giao dịch rất tốn kém. Trong quá trình thực thi, doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung trùng nhau”-TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ngày 28.11.2019, tại  hội thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, nhiều ý kiến góp ý xung quanh quy định về hộ kinh doanh, trong đó, nhóm thứ nhất đồng ý bổ sung số quy định về hộ kinh doanh; nhóm thứ hai đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật vì đây là Luật Doanh nghiệp. Do đó, cần ban hành một nghị định hoặc Luật riêng về hộ kinh doanh. Nhóm thứ ba đề nghị nếu bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật thì phải xem xét lại tên gọi của luật

Nhiều đại biểu nhấn mạnh: Việc bổ sung quy định về hộ không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp. Hơn thế, các quy định về Hộ kinh doanh trong dự thảo Luật sẽ bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của chính hộ kinh doanh và bên có liên quan; thúc đẩy hộ kinh doanh phát huy hết tiềm năng và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế; đồng thời, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng hơn cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hộ kinh doanh, về bản chất là loại hình kinh doanh nên tất cả những vấn đề liên quan đến loại hình này đều phải được định danh, hỗ trợ, bảo vệ và các hộ kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, với người lao động. Do đó tất cả phải được luật hóa. Việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong luật nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn