MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm được tinh chế từ sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Để sâm Ngọc Linh trở thành “quốc bảo của Việt Nam”

ĐÌNH VĂN LDO | 07/09/2018 06:20
Ngày 6.9, UBND tỉnh Kon Tum, Bộ Y tế và Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị “Đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác”. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Khó khăn bủa vây

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum - Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Kon Tum xác định sâm Ngọc Linh là ngành kinh tế mũi nhọn, là sản phẩm chủ lực, tạo đột phá mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho tỉnh”. Do vậy, trước khi diễn ra hội nghị một ngày (ngày 5.9), Kon Tum đã trao quyết định đầu tư, chủ trương khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều dự án với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỉ đồng. Hiện Kon Tum đã trồng được trên 500ha sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp (DN) đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến để cho ra đời những mẻ sản phẩm sâm thương mại đầu tiên. Đã có 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỉ đồng trên quy mô 7.800ha. Kỳ vọng rằng, sẽ tung ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Đó mới là cam kết trên giấy, thực tế sâm Ngọc Linh Kon Tum đang đối mặt rất nhiều khó khăn.

Giám đốc Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum - ông Trần Hoàn cho biết, hiện nay sâm Ngọc Linh khan hiếm nên bị thổi giá lên rất cao, giá tối thiểu 60 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/kg. Do vậy, sâm Ngọc Linh - Kon Tum bị làm giả rất nhiều. Ông nói thêm, các loại sâm giả từ phía bắc, không nguồn gốc, hóa đơn chứng từ rao bán tràn lan tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM... thậm chí bán công khai ngay tại Kon Tum, Quảng Nam. Giá các loại này từ 1 - 2 triệu đồng/kg “đội lốt” thành sâm Ngọc Linh được “thổi” giá lên hàng trăm triệu đồng/kg.

Đối phó với nạn sâm giả đã khó, việc chiết xuất sâm thật thành sản phẩm tung ra thị trường còn khó hơn, đó chính là ưu tư của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Trong nước đã biết về sâm Ngọc Linh, nhưng quốc tế thì chưa, như lâu nay họ vẫn nghĩ đến danh tiếng sâm của Hàn Quốc. Thứ nữa, sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa đa dạng hóa. “Sâm lâu nay chúng ta dùng làm thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm và các sản phẩm tăng cường sức khỏe... thủ tục hành chính hiện nay đã đơn giản hóa, đối với dược phẩm, Kon Tum, Quảng Nam phải đăng ký lưu hành sản phẩm thì Bộ Y tế mới khuyến khích các bệnh viện Y học cổ truyền lấy làm sử dụng” - Bộ trưởng Tiến gợi mở.

Phải có công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự vào cuộc chỉ đạo của Chính phủ không chỉ là giúp tăng trưởng kinh tế mà còn lo giải quyết đời sống cho người dân. “Thủ tướng đến Kon Tum với niềm tin, chúng ta có thể đưa quốc bảo sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh, là hy vọng mới của Việt Nam trong ngành dược liệu và thực phẩm chức năng, để cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt trọng tâm vào 3 vấn đề quốc kế dân sinh từ “Quốc bảo”, đó là bảo tồn, giữ gìn sự quý hiếm; thứ hai tinh chế nhiều sản phẩm, chế phẩm từ sâm Ngọc Linh và thứ ba là giải quyết nhiều việc làm, thu ngân sách cho các tỉnh sản xuất, tiêu thụ sâm Ngọc Linh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đối với cây sâm Ngọc Linh, chúng ta vừa bảo tồn vừa phát triển có chiều sâu, nâng tầm giá trị kinh tế và sức khỏe cho nhân dân, hướng mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh đến giá trị cao hơn, không chỉ là kinh tế mà còn đối với y học, phục vụ cho gần 100 triệu dân Việt Nam, rồi tiến tới xuất khẩu... Để đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, chúng ta phải đại chúng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sâm Ngọc Linh đến những nước G7, G20, phổ biến hóa toàn cầu ở phân khúc giá trị cao cấp; thứ ba bảo vệ nguồn gen thuần chủng, không lai tạp, xây dựng được “Thánh địa sâm Ngọc Linh”...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn