MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số cần "may đo" nhưng không "may sẵn"

Phương Anh LDO | 11/04/2024 16:19

Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 2023 đạt nhiều thành công nhất định. Song, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, nền kinh tế 2024 vẫn có thể gặp "sóng gió", cần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gỡ rối thị trường bất động sản...

Tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức

Trong giai đoạn 2023 - 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, khó khăn, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Những “cơn gió ngược” từ kinh tế thế giới về xung đột chính trị, lạm phát và lãi suất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm... đã gây những tác động bất lợi.

Hội thảo kinh tế Việt Nam 2024 - nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định. Ảnh: Phương Anh

Tại Hội thảo Khoa học thường niên nhằm phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023, đánh giá về triển vọng năm 2024 diễn ra vào hôm nay (11.4), ông Phạm Tuấn Anh - Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam - cho biết: "Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,05%. Dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%).

Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Những kết quả này tạo niềm tin nền kinh tế trong nước đã vượt qua được những thách thức của năm 2023, củng cố nền tảng cho triển vọng phát triển của năm 2024".

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhận định: "Các chính sách giải pháp 2023 về ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu và hoàn thiện khung khổ pháp lý có thể điều chỉnh. Song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Mức độ cải thiện tình hình tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài. Điều tiên quyết là nỗ lực chính sách, cải cách của Việt Nam".

TS. Võ Trí Thành cho biết cần có sự phòng thủ chắc chắn, vượt khó và bắt kịp xu thế để thúc đẩy nền kinh tế 2024 của Việt Nam gắn với ổn định kinh tế. Ảnh: Phương Anh

Cải cách chính sách, đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh để thúc đẩy kinh tế

Theo ông Võ Trí Thành, nền kinh tế phía trước còn nhiều khó khăn, thậm chí có "sóng bão". Song vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong phát triển kinh tế năm 2024.

"Trong đó, chuyển đổi số cần thực hiện việc "may đo" nhưng không "may sẵn" gắn với ba bài học bao gồm nghĩ lớn và làm cụ thể, chiến lược công ty và lãnh đạo tiên phong. Chuyển đổi xanh cũng cần đi từ chính đòi hỏi thị trường, người tiêu dùng, cam kết quốc tế, chính sách nhiều nước phát triển và cách thức thay đổi mô hình kinh doanh. Bên cạnh đó, dịch chuyển chuỗi cung ứng cần có tầm nhìn, năng lực nguồn nhân lực, văn hóa kinh doanh cũng như thương hiệu doanh nghiệp" - vị chuyên gia cho biết.

Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiệu quả và nghệ thuật gỡ rối cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng là điều kiện tiên quyết để phục hồi vững chắc nền kinh tế.

"Những nỗ lực và ý chí chính trị trong cải cách thể chế, nhất là liên quan bất động sản một cách hiệu quả, kịp thời cũng đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, cần thúc đẩy một bộ máy nhà nước hoạt động hữu hiệu, cống hiến và đủ đổi mới sáng tạo, kiến tạo phát triển trong một thế giới đầy đổi thay" - TS Lê Xuân Sang nhận định.

Đối với thị trường bất động sản, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ - cho rằng: "Cần có chính sách đột phá cho nhà ở bình dân và nhà ở xã hội. Trong đó tài trợ từ ngân sách là chủ đạo thông qua thuế quyền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó cấp bù chênh lệch lãi suất, tín dụng cho người mua nhà dài hạn và chống đầu cơ ở phân khúc này. Tiếp tục đột phá về thủ tục pháp lý, thủ tục phê duyệt 1/500, đấu thầu nhà đầu tư, cấp phép xây dựng. Xử lý nhanh, tích cực về giá và thủ tục giải phóng mặt bằng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn