MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy qua khu công nghệ cao (Thành phố Thủ Đức). Ảnh: Anh Tú

Để Thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới của TPHCM

MINH QUÂN LDO | 25/01/2023 06:11

TPHCM - Những đề xuất về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, các cơ chế tài chính vượt trội được kỳ vọng tháo gỡ các điểm nghẽn, sớm đưa Thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới của TPHCM.

2 hạn chế của Thành phố Thủ Đức

Thành phố Thủ Đức rộng khoảng 211km2 với hơn một triệu dân được lập đầu năm 2021, trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức.

Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước.

Theo ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức, sau hai năm thành lập, điểm sáng lớn nhất của thành phố là thu ngân sách. Cụ thể, nếu trong năm đầu tiên thành lập, Thành phố Thủ Đức chỉ thu ngân sách đạt gần 10.700 tỉ đồng thì năm 2022 thu tăng gần gấp đôi, khoảng 20.100 tỉ đồng.

Một số điểm sáng khác như cấp giấy phép xây dựng trực tuyến, ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, khởi công 3 dự án nhà ở xã hội quy mô gần 3.000 căn,…

Về hạ tầng giao thông, dự án có ý nghĩa quan trọng nhất với Thành phố Thủ Đức hơn 2 năm qua là hoàn thành cầu Thủ Thiêm 2, nối hai bờ sông Sài Gòn giữa quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công trình giúp rút ngắn thời gian đi từ Thành phố Thủ Đức đến trung tâm TPHCM.

Thành phố Thủ Đức có nhiều dự án cầu, đường dang dở. Trong ảnh là cầu Nam Lý dừng thi công 3 năm qua. Ảnh: Anh Tú

Còn lại, hầu hết dự án trọng điểm trên địa bàn Thành phố Thủ Đức đang đứng im, chậm tiến độ. Cụ thể, 3 cây cầu Nam Lý, Tăng Long và Long Đại có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng nhưng xây dang dở rồi “treo” suốt 3 - 4 năm qua do vướng mặt bằng. Dự án Vành đai 2, đoạn qua Thành phố Thủ Đức dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa được triển khai từ năm 2017 cũng đang dang dở.

Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp nhìn nhận, sau 2 năm thành lập, Thành phố Thủ Đức tồn tại hai hạn chế cần sớm khắc phục.

Thứ nhất là hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân khi vẫn còn kẹt xe, ngập nước.

Thứ hai là chưa kéo giảm được tình trạng chậm trễ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Kiến nghị cơ chế về bộ máy, tài chính vượt trội

Mới đây, Thành phố Thủ Đức đã được đề cập trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu phát triển Thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, Thành phố Thủ Đức đã tập trung nghiên cứu để có những đề xuất về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành, các cơ chế tài chính vượt trội sớm đưa Thủ Đức thành cực tăng trưởng mới của TPHCM.

Cụ thể, về tổ chức bộ máy, Thành phố Thủ Đức đề xuất được xem xét thành lập Ban Đô thị HĐND Thành phố Thủ Đức và tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên 8 đại biểu; thành lập phòng Giao thông Công chính; bổ sung 1 Phó Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức.

Thành phố Thủ Đức cũng đề xuất được phép nghiên cứu triển khai Trung tâm dịch vụ hành chính công. Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, đây là đầu mối tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính công cho người dân và doanh nghiệp nhằm rút ngắn thời gian, tinh gọn đội ngũ cán bộ.

Người dân làm thủ tục hành chính Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Minh Quân

Về cơ chế tài chính, Thành phố Thủ Đức xin Trung ương thí điểm trong 3 năm được giữ lại toàn bộ nguồn tiền thu sử dụng đất trên địa bàn để chi đầu tư phát triển.

Đồng thời, cho thành phố được lập dự án bồi thường theo quy hoạch để thu hồi đất gắn với phát triển đô thị theo mô hình giao thông công cộng (TOD). Việc này giúp tạo quỹ đất phục vụ đấu giá tạo nguồn lực chi đầu tư phát triển trên địa bàn.

Ngoài ra, Thành phố Thủ Đức cũng muốn được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn của Trung ương và TPHCM như: Khép kín Vành đai 2, xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3…

Bí thư Thành phố Thủ Đức cho hay, những nội dung trên sẽ được UBND TPHCM đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 dự kiến trình Quốc hội phê duyệt trong tháng 5.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn