MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Trịnh Thị Phan Lan chia sẻ về nghỉ hưu trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn).

Để tuổi già an nhàn, cùng chuyên gia lên chi tiết kế hoạch nghỉ hưu

Đức Mạnh LDO | 03/07/2022 19:46
Mọi người đều nên có kế hoạch về việc nghỉ hưu. Chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) sẽ hướng dẫn chi tiết cách lên kế hoạch nghỉ hưu trong bài viết sau.

1. Xác định độ tuổi nghỉ hưu

Theo chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), khi muốn nghỉ hưu, bạn cần tự trả lời những câu hỏi như sau:

- Khi nào tôi muốn nghỉ hưu? Tôi muốn làm gì khi nghỉ hưu?

- Tôi sẽ cần bao nhiêu tiền vào thời điểm nghỉ hưu (có tính lạm phát)?

- Tôi sẽ cần tiết kiệm cao nhiêu tiền mỗi tháng để đạt được mục tiêu nghỉ hưu của mình?

- Tôi sẽ cần những loại chi phí y tế và chăm sóc dài hạn nào khi nghỉ hưu?

2. Tính toán số tiền cần để nghỉ hưu

Hãy dự trù các chi phí hàng tháng/hàng năm mà bạn sẽ cần khi nghỉ hưu. Hãy tính đến điều kiện sống và mục tiêu của bạn, đồng thời xác định chi phí nào là cần thiết, phải có hoặc cần, và chi phí nào là mong muốn, nên có hay muốn. Bạn có thể chỉ cần đưa ra ước tính tốt nhất tổng thể cho từng danh mục. 

Có thể có những thay đổi trong chi phí sau nghỉ hưu. Một số khoản sẽ tiêu ít hơn như thuế, bảo hiểm xã hội, quỹ hưu trí... Một số khoản sẽ tăng lên như chi phí y tế và chỉ số lạm phát vẫn sẽ tiếp tục.

Sau đó bạn áp dụng quy tắc 4%. Với quy tắc này, trước tiên chúng ta cần dự trù số tiền chi tiêu hàng năm. Theo chuyên gia tài chính cá nhân, nhu cầu tài chính khi về hưu của một người bằng khoảng 60 - 80% số tiền mà họ chi dùng khi còn trẻ. Giả sử hiện nay số tiền chi tiêu là 10 triệu đồng, khi về già bạn sẽ cần 6 - 8 triệu đồng/tháng. Ví dụ lấy trung bình 7 triệu đồng, tức là 84 triệu đồng/năm. Con số này chia cho 4% thì bạn sẽ cần tối thiểu cần 2,1 tỉ đồng cho tuổi già.

Mức tiết kiệm tương ứng với độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu.

3. Xác định các nguồn thu nhập khi nghỉ hưu

Bạn có thể có những nguồn nào để tạo thu nhập khi nghỉ hưu? Hãy liệt kê càng nhiều nguồn càng tốt, cộng với tài sản và tài khoản có thể chuyển đổi thành thu nhập. Đối với người đến tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam thường có các nguồn thu nhập chính sau đây:

Một là tiền lương hưu - đối với những người có bảo hiểm xã hội.

Hai là thu nhập từ đầu tư, lãi tiền gửi tiết kiệm, tiền bán những tài sản đã tích lũy được. 

Ba là thu nhập từ việc làm thêm như dân phòng, bán nông sản dư thừa ở vườn, ao chuồng của gia đình, bán hàng thuê, gia công hàng hóa...

Bốn là khoản hỗ trợ tài chính, quà tặng từ con cháu, người thân, bạn bè.

Năm là trợ cấp xã hội, trợ cấp từ các quỹ từ thiện. Khoản này sẽ có đối với người không có bảo hiểm xã hội hoặc có nguồn tài chính eo hẹp.

4. Tiết kiệm từ hôm nay

Sau khi xác định số tiền và thời gian chuẩn bị để nghỉ hưu, bạn cần xác định số tiền tiết kiệm mỗi năm.

Công thức đơn giản lấy khoản tài chính ước cần cho kỳ hưu trí chia cho khoản thời gian mình còn có thể tiếp tục công tác. Chuyên gia tài chính thông minh luôn khuyên rằng chìa khoá thành công của tiết kiệm để nghỉ hưu nằm ở sự đều đặn và kiên trì. Vì thế, hãy bắt đầu từ ngay hôm nay!

Độc giả/khán giả có thể xem video Tài chính thông minh tại đường link sau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF). Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn