MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông, TP.Cẩm Phả. Ảnh: CTV

Đề xuất bán đá thải than ra ngoài tỉnh để đỡ tốn cả trăm tỉ/năm đem đổ đi

Nguyễn Hùng LDO | 22/05/2022 15:34

Quảng Ninh - Để đưa đá thải (hay còn gọi là xít) sau sàng tuyển than vào bãi thải, mỗi năm Công ty tuyển than Cửa Ông, TP.Cẩm Phả phải tốn hơn 100 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu cho phép được bán loại đá thải này ra ngoài Quảng Ninh, thì ngoài việc không mất số tiền trên còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường, bãi thải…

Công ty tuyển than Cửa Ông, TP.Cẩm Phả có số lượng đá thải sau sàng tuyển lớn nhất ở Quảng Ninh.

Mỗi năm, công ty này nhận khoảng 12-13 triệu tấn than nguyên khai của các mỏ than trên địa bàn TP.Cẩm Phả để sàng tuyển ra các loại than phục vụ thị trường.

Bãi than đẹp sau khi sàng tuyển tại Nhà máy của Công ty tuyển than Cửa Ông. Ảnh: Nguyễn Hùng

Sau quá trình sàng tuyển đó, lượng đá thải lên tới khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Theo quy định, loại đá này không còn giá trị sử dụng và phải đem đổ vào các bãi thải đã được quy hoạch của ngành than.

Con đường vận chuyển đá thải từ nhà máy sàng tuyển của Công ty tuyển than Cửa Ông vào bãi thải mỏ Đông Cao Sơn vô cùng phức tạp, khó khăn.

Đá thải sau quá trình sàng tuyển được rót trực tiếp vào các toa tàu hỏa tại nhà máy và được vận chuyển vào một phân xưởng của công ty cách đó 6km.

Tàu hỏa vận chuyển đá thải từ Nhà máy tuyển than Cửa Ông vào một phần xưởng của công ty, rồi từ đây rót xuống xe tải để đi tiếp vào bãi đổ thải. Ảnh: Nguyễn Hùng

Từ đây, đá thải được đổ xuống hệ thống băng chuyền để rót xuống xe tải hạng nặng để tiếp tục hành trình – khoảng 7km đường đồi núi – lên bãi thải Đông Cao Sơn.

Theo ông Vũ Quy Lực – tổ trưởng thuộc Phân xưởng vận tải, Công ty tuyển than Cửa Ông – lực lượng công nhân ở đây làm việc 3 ca, mỗi ca đón khoảng 5 chuyến tàu hỏa với mỗi chuyến 200 tấn đá thải. Như vậy, ngày cao điểm, sẽ có khoảng 3.000 tấn đá thải vượt hơn 13km, bằng nhiều loại phương tiện để về bãi thải.

Theo tính toán, với giá thành vận chuyển/1 tấn đá thải từ nhà máy sàng tuyển vào bãi thải mỏ Đông Cao Sơn là hơn 92.000 đồng, mỗi năm công ty tốn hơn 100 tỉ đồng để đem rác đi đổ.

Trong khi đó, loại đá thải này những năm gần đây được các đơn vị sản xuất gạch, xi măng săn lùng để nghiền ra làm phụ gia cho quá trình sản xuất.

This browser does not support the video element.

Video clip “Công nhân xả đá thải từ các toa tàu xuống các boong chứa, sau đó than được hệ thống băng tải đưa và rót xuống xe tải, để tiếp tục hành trình 6km đến bãi thải.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh – Giám đốc Công ty CP hàng hải Việt Nam, có trụ sở tại Hải Phòng, chuyên kinh doanh xít –loại đá thải này có nhiệt lượng tốt nên các đơn vị sản xuất gạch rất ưa chuộng. Hiện, công ty đang nhập xít của Công ty tuyển than Cửa Ông để bán cho một số nhà máy sản xuất gạch, nhà máy sản xuất xi măng ở Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo ông Hạnh, do Quảng Ninh chưa cho bán loại đá thải này ra ngoài tỉnh nên số lượng cung cấp cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không đáng bao nhiêu, trong khi khối lượng đá thải hàng năm của Công ty tuyển than Cửa Ông là khá lớn.

Đá thải sau sàng tuyển đang được các đơn vị sản xuất gạch, xi măng săn lùng. Ảnh: Nguyễn Hùng

“Các đơn vị sản xuất gạch, xi măng ở các tỉnh, thành khác có nhu cầu rất lớn mua đá thải sau sàng tuyển than. 1,2 triệu tấn đá thải của Công ty tuyển than Cửa Ông không thấm vào đâu so với nhu cầu” – ông Hạnh cho biết.

Tại cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây, ông Phạm Xuân Thủy – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) – kiến nghị tỉnh Quảng Ninh xem xét cho bán đá thải sau sàng tuyển ra ngoài tỉnh.

Việc này không chỉ tiết kiệm mỗi năm cả trăm tỉ cho ngành than, mà còn hạn chế tác động tới môi trường trong quá trình vận chuyển và đặc biệt, nếu tiếp tục đổ thải thì gây áp lực sạt lở lên bãi thải Đông Cao Sơn.

Theo ông Lê Ngọc Sơn – Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty tuyển than Cửa Ông – hiện có 2 loại giá bán đá thải. Trong đó, nếu người mua nhận đá thải tại nhà máy thì giá là khoảng 16.000 đồng/tấn; với giá 40.000 đồng/tấn, người mua sẽ được công ty vận chuyển và rót hàng trực tiếp xuống tàu tại cảng biển.

“Giá trên gần như cho không bởi số tiền đó chỉ đủ chi phí cho công tác quản lý, vận chuyển, thuế. Nhưng như thế vẫn còn tốt hơn là mỗi năm mất cả trăm tỉ để đem đi đổ vào bãi thải cùng với bao hệ lụy phát sinh” – ông Sơn chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn