MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS. Ảnh: Tô Thế

Đề xuất ban hành khung trần với phí chia sẻ, có thêm ưu đãi với thẻ tín dụng nội địa

Đức Mạnh LDO | 22/05/2024 13:41

Tổng Giám đốc NAPAS Nguyễn Quang Minh cho biết, các ngân hàng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát hành thẻ tín dụng, đặc biệt thẻ tín dụng nội địa. Trong đó, hướng tới tiếp cận các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và phối hợp cùng NAPAS để có các chương trình khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng.

Người dân dễ dàng tiếp cận thẻ tín dụng nội địa với chi phí hợp lý

Tại Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức chiều 21.5, ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS - cho biết, trong khoảng 3 năm phát triển, tốc độ phát hành thẻ tín dụng nội địa ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung thị trường. Tuy nhiên, so với dung lượng thị trường còn hết sức khiêm tốn.

Các ngân hàng là thành viên của NAPAS đã phát triển thẻ tín dụng với biểu phí đơn giản hơn so với thẻ tín dụng của các tổ chức quốc tế. Thủ tục phát hành đơn giản, điều kiện ràng buộc gần như không có, từ đó giúp người dân tiếp cận dễ dàng với chi phí hợp lý hơn.

"NAPAS liên tục cập nhật ứng dụng các công nghệ thanh toán mới cho thẻ tín dụng nội địa nhằm phát huy hết tính tiện lợi trong việc sử dụng thẻ cho người dùng cuối. Đồng thời, NAPAS cũng đang triển khai các giải pháp công nghệ mới cho phép khách hàng thanh toán thẻ thông qua các thiết bị di động. Số hóa thẻ và thanh toán trên thiết bị di động. Biến thiết bị di động thành thiết bị thanh toán. Cho phép tích hợp với phần mềm đơn vị chấp nhận thanh toán..." - ông Minh nhấn mạnh.

Để phát triển dòng sản phẩm thuần Việt này trong tương lai, ông Minh đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành khung trần/sàn đối với phí chia sẻ và MDR (nếu có), áp dụng với cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế. Đảm bảo hài hòa, công bằng giữa thẻ nội địa và thẻ quốc tế, giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt chính sách phí.

Để giải quyết các vướng mắc trong xử lý rủi ro liên quan đến các giao dịch gian lận, giả mạo trong thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thẻ nói riêng, NAPAS đề xuất cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán được phép sử dụng một phần lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong thanh toán (tương tự như hoạt động cấp tín dụng).

Song song với đó là cho phép các tổ chức phi ngân hàng được tham gia cung cấp dịch vụ Merchant acquiring độc lập. Trong đó, tổ chức phi ngân hàng được chủ động ký thỏa thuận thanh toán thẻ với đơn vị chấp nhận thanh toán; triển khai thiết bị chấp nhận thanh toán, quản lý rủi ro đơn vị chấp nhận thanh toán…

Toàn cảnh Hội thảo "Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt".

Hướng tới tiếp cận các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát hành thẻ nội địa, đặc biệt thẻ tín dụng nội địa. Trong đó, hướng tới tiếp cận các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và phối hợp cùng NAPAS để có các chương trình khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng.

"NAPAS sẽ rà soát chặt chẽ và đánh giá tiềm năng việc chấp nhận thanh toán thẻ nội địa để đẩy mạnh hơn nữa việc chấp nhận thẻ nội địa ở các đơn vị chấp nhận thanh toán, giảm bớt gánh nặng chi phí cho thị trường NAPAS. Phối hợp cùng các tổ chức phát hành và tổ chức thanh toán để thúc đẩy phát hành/thanh toán thẻ nội địa nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng.

Tiếp tục hoàn thiện triển khai gia tăng các tiện ích đối với hệ sinh thái thẻ NAPAS: Tokenization, 3DS, Tap to pay, thanh toán QRPay từ nguồn thẻ tín dụng NAPAS... Cùng các ngân hàng phối với các trung gian tài chính, đơn vị phát triển mạng lưới để thúc đẩy mảng chấp nhận thanh toán thẻ" - ông Minh nói.

Tổng Giám đốc NAPAS nêu rõ mục tiêu hướng tới sẽ là thúc đẩy thị trường thanh toán thẻ, tăng tính cạnh tranh của dịch vụ chấp nhận thanh toán, phù hợp với sự phát triển và yêu cầu của thị trường. Các ngân hàng hiện tại cũng đang hợp tác với các đối tác để phát triển và mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán nhỏ lẻ, tại các vùng mà mạng lưới ngân hàng chưa bao phủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn