MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu vì thiếu quy định cụ thể và tùy hứng

Anh Tuấn LDO | 17/02/2023 06:31
Chuyên gia cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng, cho nên không cần thiết phải duy trì quỹ này.

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất phương án giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu và lý giải "đây vẫn là công cụ để nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành". Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, quỹ này là sáng tạo riêng của Việt Nam, không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá.

Trao đổi với Lao Động, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, việc trích lập và chi từ Quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua chưa hợp lý, khiến giá trong nước không theo diễn biến thế giới.

Trong khi đó, nguồn tiền trích lập vào Quỹ này thực tế là của người dân khi mua mỗi lít xăng dầu, nhưng mức hưởng lợi chưa tương xứng.

"Nên bỏ quỹ bình ổn và nên áp dụng tính giá vốn hàng mua trong giá cơ sở theo bình quân gia quyền ít nhất là 30 ngày (theo thực tế thời gian từ khi mua hàng đến khi đưa vào sử dụng là khoảng 30 ngày) đó cũng chính là bình ổn giá xăng dầu", ông nói.

Xăng dầu cần điều tiết theo cơ chế thị trường. Ảnh: Cường Ngô 

Quỹ bình ổn xăng dầu thực tế là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, có từ việc trích lập một khoản tiền cụ thể. Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ quỹ.

Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) cho rằng, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đưa ra quy định rõ ràng việc sử dụng, tỉ lệ chi quỹ ra sao trong trường hợp giá cao, doanh nghiệp tăng giá bán.

Nhưng sửa đổi sau này, các quy định cụ thể trên không còn nữa, thay vào đó cơ quan quản lý quyết định mức chi, sử dụng của mỗi kỳ điều hành giá.

"Giờ không rõ căn cứ vào đâu nhà quản lý tính toán để đưa ra các mức trích, chi quỹ bình ổn xăng dầu", ông nói.

Chủ tịch Vinpa cho rằng, đây là thời điểm tốt để ngành xăng dầu chuyển sang giai đoạn thị trường, khi đó không cần tồn tại của Quỹ bình ổn và hiệp hội đã nêu quan điểm này khi góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Sáng tạo riêng của Việt Nam

PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là sự "sáng tạo" riêng của Việt Nam. Nhiều nước khác đều dự trữ quỹ bằng nguồn xăng dầu.

Quỹ bình ổn giá hoạt động dựa theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau do đó không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Nhà điều hành cũng không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai dẫn đến việc quỹ bình ổn đang gây bất ổn.

"Nếu tại kỳ điều hành thứ nhất giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá.

Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai mà giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai.

Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn", PGS.TS Phạm Thế Anh phân tích.

PGS.TS Phạm Thế Anh đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh: Cường Ngô 

Ngoài ra, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng chưa có quy tắc điều tiết minh bạch. Việc xác định loại xăng, dầu nào phải trích lập hoặc được chi khá tùy hứng. Quy mô trích lập, chi cũng không tuân theo quy tắc nào.

Theo ông, việc sử dụng quỹ có xu hướng tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng sự bất bình đẳng. Cụ thể là xăng E5 RON 92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập, các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi.

Trong các năm 2020-2022, số lần xăng E5 RON 92 được chi quỹ là 46 lần, trong khi xăng RON 95 là 36 lần, dầu mazut là 22 lần. Trong khi đó, số lần phải trích lập với xăng E5 RON 92 là 35 lần, xăng RON 95 là 41 lần và dầu mazut là 50 lần.

Ông Thế Anh khuyến nghị quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt, khi nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn