MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công Thương đang quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia nhưng đề xuất chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Ảnh: Cường Ngô

Đề xuất Bộ Tài chính quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia là không phù hợp

Cường Ngô - Minh Ánh LDO | 12/12/2023 15:55

Bộ Công Thương vừa báo cáo Chính phủ về dự trữ quốc gia mặt hàng xăng dầu, trong đó có đề xuất chuyển nhiệm vụ này cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, đây là đề xuất không phù hợp.

Liên bộ phải phối hợp

Bình luận về đề xuất này, trao đổi với Lao Động sáng 12.12, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Lâm Đồng, cho biết, hiện có hai hình thức quản lý dự trữ xăng dầu, gồm dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông.

Trong đó, việc vừa phải đảm bảo dự trữ quốc gia, vừa đảm bảo dự trữ lưu thông đã trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khiến việc cân đối nguồn hàng hóa khó khăn, phức tạp.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đứt gãy nguồn cung mỗi khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra các thương nhân đầu mối có kho dự trữ xăng dầu; hoặc thay đổi chính sách điều hành giá xăng dầu, khiến doanh nghiệp đề nghị giảm dự trữ từ 20 ngày xuống còn 10-15 ngày cho phù hợp với vòng tua lưu thông ngày càng ngắn lại.

"Về mặt thực hiện, việc doanh nghiệp xăng dầu phải đảm bảo dự trữ quốc gia thay cho Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời khi chưa có cơ quan dự trữ quốc gia chuyên nhiệm. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời kéo dài quá lâu dẫn đến việc đảm bảo dự trữ quốc gia không được thực hiện đúng đắn và triệt để", ông Thắng nói.

Hiện việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp. Ảnh: PLX

Về mặt tổ chức, ông Thắng cho rằng, cần tách biệt về hình thức dự trữ bằng việc giao cho cơ quan chuyên trách về tài chính (Bộ Tài chính) toàn quyền thực hiện việc thu mua dự trữ, đầu tư cơ sở hạ tầng (kho, cảng), thực hiện trách nhiệm xây dựng và quản lý các phương án dự trữ quốc gia phù hợp.

"Bộ Tài chính nên chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đầu tư, xây dựng, quản lý kho cảng, quản lý đầu vào, đầu ra, hao hụt đối với lượng xăng dầu dự trữ quốc gia; báo cáo định kỳ cho Chính phủ.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cần quản lý, theo dõi, tổ chức thực hiện đảm bảo dự trữ lưu thông của toàn bộ hệ thống thương nhân đầu mối, báo cáo định kỳ cho Chính phủ. Do vậy không nên đề xuất giao toàn bộ quản lý dự trữ xăng dầu cho Bộ Tài chính", ông Thắng nói.

Để thực hiện hiệu quả dự trữ xăng dầu quốc gia, ông Thắng đề xuất cần bãi bỏ yêu cầu trách nhiệm dự trữ quốc gia cho doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối. Song quy trách nhiệm trong trường hợp doanh nghiệp đầu mối gây thiếu hụt nguồn cung; doanh nghiệp phân phối không đảm bảo hàng hóa kinh doanh phân phối đến đại lý.

Đề xuất ngược của Bộ Công Thương bị xem "không phù hợp"

Trao đổi với Lao Động sáng 12.12, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, đề xuất của Bộ Công Thương là không phù hợp, thậm chí “ngược đời”.

Theo ông, Bộ Tài chính không thể có hệ thống kho, cùng các hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan để bảo quản xăng dầu. Đây là đề xuất hết sức ngược đời.

Lâu nay việc dự trữ xăng dầu đều nằm ở các doanh nghiệp Bộ Công Thương quản lý. Bộ Tài chính cũng có hệ thống dự trữ quốc gia nhưng đó chỉ là hệ thống dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực là gạo, các mặt hàng phòng chống thiên tai,…

“Bộ Công Thương nêu ra những khó khăn trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, đó là chưa được bảo quản riêng; các quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật mặt hàng xăng dầu, dự trữ nhà nước còn hạn chế, việc áp dụng các quy định pháp luật về nhập, xuất, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia đã phát sinh vướng mắc, khó khăn.

Tôi cho rằng, tất cả các khó khăn mà Bộ Công Thương nêu đều có thể giải quyết, vấn đề là các bộ phải cùng ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề này”, ông Thỏa nói.

Trao đổi với Lao Động chiều 11.12, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, mặt hàng dự trữ xăng dầu quốc gia thuộc quản lý của Tổng cục Dự trữ nhà nước, nhưng xét dưới góc độ quản lý ngành thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Cho nên, không nên phân định bộ nào quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia mà ở đây phải là liên bộ, liên ngành.

"Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu sự chỉ đạo của liên bộ. Hàng dự trữ quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cho nên các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý tốt nguồn hàng này", ông Bảo nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn