MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - là một trong những lĩnh vực luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Ảnh: Tạ Quang

Đề xuất cho vay theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp vùng ĐBSCL

YẾN PHƯƠNG LDO | 18/09/2023 06:46

Tại Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua, một số doanh nghiệp cũng như các ngân hàng thương mại đã trao đổi, thảo luận và thống nhất đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho vay theo chuỗi giá trị tại vùng ĐBSCL.

Đề xuất cho vay theo chuỗi giá trị

Ông Phạm Thái Bình - Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho biết, đến nay doanh nghiệp của ông chính thức hoạt động 27 năm trong ngành hàng lúa gạo.

Ông Bình cho rằng, có một số vướng mắc, các ngành hàng lúa gạo, thuỷ sản đang thiếu cơ chế nguồn vốn để đầu tư về chuỗi.

Ông Bình đưa ra một ví dụ, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao - phát thải thấp.

“Với đề án này, chính những doanh nghiệp lúa gạo chúng tôi là nòng cốt trong dự án. Tôi nhận thấy, nếu không có một cơ chế, chính sách để đầu tư cho doanh nghiệp được vay vốn theo chuỗi, thì sẽ không có sự gắn kết và khó đạt hiệu quả” - ông Bình nói.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất NHNN Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thay đổi tư duy, cho vay theo chuỗi giá trị đối với các doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL; làm sao để trong thời gian tới đồng hành với người dân, doanh nghiệp, giúp các ngành hàng có thể phát triển bền vững.

Thống nhất với đề xuất này, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) - chia sẻ: Hiện nay Agribank đang chủ yếu cho vay theo hộ gia đình, cá nhân, đây là một khâu trong chuỗi giá trị sản xuất. Và khi người nông dân sản xuất ra có tính mùa vụ, nếu như không liên kết được với các đầu mối thu mua và các doanh nghiệp xuất khẩu thì người nông dân rất khó khăn.

Vấn đề cần thiết nhưng nhiều trăn trở

Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam - cho biết: "Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất lớn, chuỗi giá trị đặt ra cần vốn là đúng. Tuy nhiên, cách đây khoảng 7 năm, ngành ngân hàng cũng đặt ra cho một số các tỉnh, thành thí điểm 10 chuỗi giá trị, nhưng chưa đạt hiệu quả. Chỉ có 2 chuỗi giá trị ở Lâm Đồng gắn vào công nghiệp chế biến rau, hoa quả thì tương đối thành công, còn lại tất cả đều chưa thành công, ngay tại ĐBSCL có 3 chuỗi giá trị thực hiện thí điểm cũng vậy".

Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, ngành ngân hàng chủ động đặt ra để làm thí điểm, thế nhưng để thực hiện một chuỗi không đơn giản. Vấn đề về vốn chỉ là một khía cạnh, mà bên cạnh đó còn rất nhiều câu chuyện về cơ chế, về quy định, làm thế nào để có sự gắn kết, nằm ở quyền lợi và trách nhiệm của những người tham gia chuỗi.

Cho nên đây không chỉ là câu chuyện về kinh tế mà còn nhiều vấn đề liên quan đến xã hội, tập quán, truyền thống, cách thức bấy lâu nay của các doanh nghiệp kinh doanh mà chưa có tư tưởng liên kết được với nhau, dựa vào nhau, nhiều khi chỉ nhìn thấy lợi ích cục bộ, thế nên hình thành chuỗi không có sự gắn kết và không mang đến hiệu quả.

“Đây là vấn đề không phải mới nhưng rất quan trọng, rất cần thiết, đặc biệt cho lĩnh vực nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Chúng tôi cũng rất trăn trở, dù hiện nay chưa thành công nhưng mong rằng chúng ta vẫn tiếp tục làm sao để sắp tới sẽ thành công trong vấn đề liên kết chuỗi giá trị này” - Phó Thống đốc nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn