MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất giảm giá điện, tiền điện đợt 3: Nên mở rộng thêm một số đối tượng

Cường Ngô LDO | 24/05/2021 11:01

Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho hai đối tượng là các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng, nên mở rộng thêm một số đối tượng.

Đề nghị EVN tiết kiệm chi phí để giảm giá điện, tiền điện

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 07 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Tại chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; miễn giảm tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19 theo danh sách được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đề xuất giảm giá điện, tiền điện đợt 3. Ảnh: EVN

"Chúng tôi đang nghiên cứu các phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, đôn đốc EVN thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm tiết kiệm chi phí thường xuyên, các khoản chi không cấp thiết khác tại các Tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các đơn vị thuộc EVN để không gây áp lực tăng giá điện vào các năm sau" - ông Tuấn nói.

Nên mở rộng đối tượng

Trước thông tin Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án giảm giá điện, tiền điện cho người dân, chị Ngô Thị Hạnh - công nhân ở Khu công nghiệp Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) cảm thấy rất mừng vì Nhà nước có chính sách kịp thời để hỗ trợ những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Nhưng chị cũng băn khoăn vì có vẻ công nhân thu nhập thấp như chị sẽ không được hưởng chính sách giảm giá điện, tiền điện lần này, vì có thông tin chỉ có hai đối tượng được đề xuất hưởng chính sách, đó là: cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở được dùng để cách ly tập trung, khám bệnh tập trung cho bệnh nhân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19.

"Bình thường mỗi tháng, gia đình tôi chỉ đóng hơn 200.000 đồng tiền điện do chỉ có hai vợ chồng. Nhưng thời gian này, tiền điện bắt đầu nhích dần do 2 đứa con đang học đại học được nghỉ nên về nhà. Trong khi đó, công ty tôi cắt giảm nhân sự vì dịch, không cho tăng ca, cuộc sống thực sự rất khó khăn", chị Hạnh cho hay.

Chị Hạnh mong muốn Nhà nước xây dựng phương án hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng là những công nhân mất việc làm, những người có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội - để bảo đảm cuộc sống cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm giá điện, tiền điện được coi là giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ hộ tiêu dùng sinh hoạt, các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh thu nhập giảm mạnh, chi phí, giá xăng, thất nghiệp đều gia tăng.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Ủy viên Hội đồng khoa học, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, ngoài đề xuất giảm giá điện cho khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 mua điện từ các đơn vị thuộc EVN, các đơn vị bán lẻ điện, thì nên giảm thêm giá bán lẻ điện cho đối tượng là khách hàng có kho chứa hàng hóa trong quá trình lưu thông và những người có thu nhập thấp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, nếu lần này thực hiện được việc giảm giá điện cho người dân, khách hàng sẽ có ý nghĩa rất lớn. Vì, giai đoạn hiện nay là thời điểm rất quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế. Hiện tại, các doanh nghiệp đều đang chạy đua để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như Quốc hội đã đặt ra.

"Tôi cho rằng, trước sự càn quét của đại dịch COVID-19 như hiện nay, nên giảm giá điện cho 2 đối tượng: Thứ nhất là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; thứ hai là các cơ sở cách ly tập trung.

Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mức giảm giá từ 5-10%; còn với các cơ sở cách ly tập trung, mức giảm cần cao hơn, thậm chí có thể miễn tiền điện từ 1-2 tháng cao điểm" - ông Thịnh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn