MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghiên cứu kỹ, đánh giá thực tế, tránh trục lợi chính sách. Ảnh minh họa. Ảnh Hải Nguyễn.

Đề xuất giảm thuế cho DN: Nghiên cứu kỹ, đánh giá thực tế, tránh trục lợi

C.NGUYÊN - T.VƯƠNG - Đ.CHUNG LDO | 11/06/2020 14:03

Đồng ý giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, song một số đại biểu cho rằng đề xuất tiêu chí, điều kiện doanh nghiệp được hưởng phải thật chặt chẽ, khoa học trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tế, tránh việc trục lợi chính sách.

Sáng 11.6 Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Đa số đều đồng ý giảm thuế để chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết vì phần lớn các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Một bộ phận sẽ khó khăn gay gắt vào quý 3/2020 do không có đơn hàng, trong khi tình hình COVID-19 vẫn diễn ra rất phức tạp ở những quốc gia là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc làm của người lao động.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng cần cân nhắc, đề xuất tiêu chí, điều kiện doanh nghiệp được hưởng thật phải chặt chẽ, khoa học trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tế, tránh việc trục lợi chính sách.

Theo ông Hiểu, doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỉ đồng không có nghĩa là doanh nghiệp khó khăn và bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thậm chí, có những doanh nghiệp tăng trưởng cao trong bối cảnh COVID-19 xảy ra. Ví dụ như doanh nghiệp sản xuất khẩu trang.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu phân tích thêm với tiêu chí doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỉ, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người, có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không nỗ lực tăng doanh thu trên 50 tỉ, hoặc khai báo doanh thu giảm hay đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không đầy đủ để đảm bảo con số không quá 100 người.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) đồng tình nhất trí cao với Nghị quyết đưa ra. 

“Có được cái này cuối năm mà miễn thuế cho doanh nghiệp nhỏ rất là tốt. Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý thêm Chính phủ cần quan tâm làm sao để doanh nghiệp sống sót, sống rồi mới có điều kiện để được miễn giảm thuế”, ông Thường nói và cho biết thêm mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp hiện nay là sống sót. Doanh nghiệp sống sót hay không trên thương trường là do dòng tiền có hay không. Khi nền kinh tế ngừng trệ, mong ngoài cái này ra Chính phủ có biện pháp rất cụ thể để doanh nghiệp sống sót, thực hiện ngay.

Còn Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) băn khoăn vì có 1/3 doanh nghiệp ngưng hoạt động do COVID-19, và nhiều doanh nghiệp không có doanh thu. Nếu áp dụng thì chỉ doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 tỉ được hỗ trợ. Quy định chưa nói rõ về lĩnh vực.

“Tôi kiến nghị, với chính sách thuế trong bối cảnh ngân sách có hạn hiện nay nên hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, cao bằng, đảm bảo cân đối thu chi theo Luật NSNN. Việc miễn giảm sẽ tác động tới ngân sách, chưa tính đến giảm thu ngân sách do mức giảm trừ gia cảnh, giảm thu nhập cá nhân…. Với lộ trình giảm thuế hiện nay, Việt Nam sẽ đối mặt khó khăn trong việc điều hành”, bà Mai nói và cho biết thêm, chính sách miễn giảm thuế cũng không nên coi đây là dài hạn chỉ hỗ trợ trong thời hạn nhất định để đảm bảo tính chủ động của thuế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn