MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất gói tài khóa quy mô 389.200 tỉ đồng để hỗ trợ DN, phục hồi kinh tế

Cường Ngô LDO | 05/12/2021 10:39
Để phục hồi nền kinh tế sau "sự tổn thương" của đại dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có các gói chính sách đủ mạnh, trong đó có gói chính sách về tài khoá, tiền tệ, an sinh xã hội. 

Sáng nay (5.12), tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững".

Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu "lỡ nhịp"?

Tại diễn đàn, nêu quan điểm về những giải pháp cho phục hồi kinh tế, TS Cấn Văn Lực - đại diện Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia cho rằng cần thiết phải ban hành chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội.

Lý do cần có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế là bởi, đến thời điểm hiện tại, chưa biết khi nào đại dịch COVID-19 sẽ kết thúc, nguồn cung vaccine còn khan hiếm và phân bổ không đều. GDP trong nước trong quý 3.2021 giảm nghiêm trọng  (âm 6,17% so cùng kỳ), kinh tế Việt Nam có dấu hiệu "lỡ nhịp", lỡ cơ hội.

Về dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, theo ông Cấn Văn Lực, dư địa "vẫn còn nhiều, trong đó, dư địa chính sách tài khoá có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ".

Ông Lực đề xuất gói chính sách tài khoá có quy mô 389.200 tỉ đồng (giá trị thực tế), chiếm 4,79% GDP năm 2021. Chính sách này tập trung vào việc giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm thuế bảo vệ môi trường 2022, giảm thuế phí trước bạ (50%) với ôtô sản xuất trong nước (6 tháng 2023) và hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: ĐBND 

Về chính sách tiền tệ, vị chuyên gia này cho biết, cần phấn đấu giảm thêm 0,5-1% lãi suất cho vay bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Đồng thời cho vay tái cấp vốn các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở (nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ…), quy mô 65.000 tỉ đồng; giá trị cấp bù lãi suất chênh lệch ước tính là 6.100 tỉ đồng; linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% trong năm 2022-2023. 

Cần nhiều gói hỗ trợ

Tại diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cho biết, khi ông hỏi doanh nghiệp: "Với cách tiếp cận hiện nay, doanh nghiệp bạn có thể cầm cự thêm bao lâu nữa, nếu Chính phủ tiếp tục duy trì đồng thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phong tỏa tạm thời và triển khai tiêm vaccine?".

Kết quả cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Doanh nghiệp ở những lĩnh vực ngành báo cáo số tháng thấp nhất là nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng). 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Tuấn cho rằng, cơ quan chức năng cần tránh tuyệt đối việc áp dụng máy móc và cực đoan các biện pháp hạn chế, phong tỏa do dịch COVID-19 để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Bởi, trong thời gian tháng 7-9.2021 vừa qua, việc thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất lẫn bán sản phẩm đầu ra đều gặp rất nhiều khó khăn vì người bán và cả người mua gặp những hạn chế trong lưu thông, di chuyển. Điều này khiến hàng hóa bị ùn ứ, chờ đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày khi gặp các chốt kiểm dịch.

Ngoài ra, các biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt nếu áp dụng máy móc sẽ khiến hàng hóa bị lưu kho lâu ngày, doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ.

Ông Tuấn cho rằng, nhà chức trách cần quan tâm, giải quyết các khó khăn tài chính cho doanh nghiệp, như cân nhắc chính sách miễn, giãn nộp ngân sách nhà nước với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi.

PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - cho biết, để phục hồi kinh tế và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, cần có gói củng cố hệ thống y tế với quy mô khoảng 76.000 tỉ đồng. Căn cứ của đề xuất này dựa trên các báo cáo của Bộ Y tế về các khoản chi y tế để ứng phó với đại dịch.

Đồng thời, cần tiếp tục củng hộ hệ thống an sinh xã hội, hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng tiêu lực của dịch bệnh. Quy mô của gói củng cố hệ thống an sinh xã hội - theo ông Tuấn - là 58.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, cần hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực hơn. Bởi thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục còn phức tạp.

"Cụ thể, gói hỗ trợ doanh nghiệp theo chúng tôi phải khoảng 244.000 tỉ đồng. Ngoài ra, gói đầu tư công, chúng tôi đề xuất có quy mô là 288.000 tỉ đồng", ông Tuấn nêu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn