MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quốc hội

Đề xuất hỗ trợ tiền mặt để kích cầu tiêu dùng nội địa

Đặng Chung LDO | 08/11/2021 22:35

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, bộ đã báo cáo Chính phủ xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề an sinh xã hội. Một trong những nội dung của chương trình là đề xuất tập trung hỗ trợ tiền mặt cho một số đối tượng để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng.

Các gói hỗ trợ đã phát huy hiệu quả

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 8.11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh đến hiệu quả của chính sách an sinh xã hội, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian vừa qua, chúng ta luôn luôn kiên định nguyên tắc phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần.

Hệ thống an sinh xã hội cơ bản đáp ứng được các nhu cầu và thực hiện quyền an sinh của người dân, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chỉ số phát triển con người của chúng ta tăng trưởng nhanh.

“Hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam từng bước hình thành ba chức năng cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro”-  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Về những băn khoăn liên quan đến các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ trưởng Dung cho hay, chúng ta đã tương đối chủ động, làm bài bản và thực hiện theo lộ trình, đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, các tình huống cụ thể. 

“Chẳng hạn như đối với người yếu thế, ngay từ đầu chúng ta chủ động ban hành Nghị định 20 thay thế Nghị định 136, trong đó nâng mức hỗ trợ bình quân cho người yếu thế. Cá biệt có những đối tượng nâng mức hỗ trợ lên 100%... Ngoài ra, chúng ta đang tiến hành điều chỉnh các chính sách tiền lương đối với hưu trí, quan tâm đến lực lượng hưu trí trước năm 1995. Đồng thời quan tâm đến lực lượng, nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch”- Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin.

Bộ trưởng Dung cũng khẳng định, các gói hỗ trợ, tuy còn nhiều hạn chế khuyết điểm nhưng đã cho thấy kết quả, hiệu quả bước đầu. Chẳng hạn, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là gói hỗ trợ đầu tiên với kinh phí 62.000 tỉ đồng, đã thực hiện được hơn 33.000 tỉ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nghị quyết thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, cũng đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền kết dư từ quỹ bảo hiểm cho hơn 8 triệu người lao động. 

Tập trung hỗ trợ tiền mặt cho một số đối tượng

Về vấn đề thiếu lao động để đáp ứng yêu cầu mở cửa của nền kinh tế, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhờ việc thực hiện mục tiêu “thích ứng linh hoạt, hiệu quả, kiểm soát dịch COVID-19”, thị trường lao động đang tiến triển rất khả quan.

Hiện nay, việc phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, chế xuất từ 50-80%, số lao động trở lại làm việc đã đạt từ 70-75%. Cá biệt có địa phương hơn 90%. “Như vậy, về cung-cầu, đáp ứng các đơn hàng, chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng không đến mức trầm trọng”- Bộ trưởng Dung khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đưa ra dự báo, hết quý IV/2021, đầu quý II/2022, nếu dịch bệnh không diễn biến phức tạp, thì thị trường lao động sẽ phục hồi như bình thường. Đồng thời, bộ cũng đã báo cáo Chính phủ để xây dựng chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động đi đôi với vấn đề an sinh xã hội, với hai giai đoạn: Phục hồi và bứt phá.

Trong đó, tập trung hỗ trợ tiền mặt cho một số đối tượng, lực lượng lao động để góp phần phục hồi, kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, hỗ trợ hộ kinh doanh, người lao động vay vốn ưu đãi để duy trì phát triển sản xuất, giải quyết việc làm.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng về dịch vụ công việc làm, đổi mới cung cầu lao động, phát triển lao động nông thôn, hỗ trợ đào tạo đào tạo lại cho người lao động... Đặc biệt sẽ tập trung chăm lo cho người lao động, thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho công nhân để ổn định, yên tâm lao động sản xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn