MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cá nhân có căn nhà cho thuê và hoạt động cho thuê tài sản phát sinh, doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Phạm Ánh

Đề xuất mới về ngưỡng doanh thu phải đóng thuế VAT - vẫn còn bất hợp lý

Minh Ánh LDO | 10/01/2024 06:36

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Đặc biệt, điểm mới dự án luật là ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với cá nhân, hộ kinh doanh dự kiến là 150 triệu đồng một năm, tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.

Thêm thu nhập, thêm niềm vui

Có căn nhà tại khu nhà liền kề Mỗ Lao - Hà Đông, anh Phạm Anh Tuấn (Hà Nội) đang cho thuê 1 tầng làm cửa hàng với giá khoảng 9 triệu đồng/tháng, ký hợp đồng 3 năm. Như vậy, tổng 1 năm anh Tuấn nhận được 108 triệu đồng.

"Mọi năm tôi vẫn nộp hồ sơ khai thuế đầy đủ. Nếu dự thảo mới của Bộ Tài chính được thông qua, tôi sẽ bớt được một khoản tiền đóng thuế, qua đó tăng thêm thu nhập.

Dù mức đóng thuế không nhiều, nhưng tôi vừa phải đóng thuế thu nhập cá nhân, vừa đóng thuế cho doanh thu nhận được từ việc cho thuê mặt bằng nên tôi cũng mong Nhà nước sẽ có hỗ trợ cho cá nhân kinh doanh như tôi" - anh Tuấn chia sẻ.

Trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính đang lấy ý kiến mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) của hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được điều chỉnh từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.

Điều này đồng nghĩa với việc hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 150 triệu đồng/năm mới phải đóng thuế VAT, trong khi quy định hiện hành, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm đã phải nộp thuế.

Lý giải về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, kể từ khi Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 có hiệu lực đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Vì vậy, việc điều chỉnh mức doanh thu mà hộ, cá nhân kinh doanh phải chịu thuế là phù hợp với mức biến động của giá cả.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc tăng mức chịu thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh không làm phát sinh chi phí tuân thủ, thủ tục hành chính với người nộp thuế và minh bạch trong quản lý thuế.

Đồ họa: Văn Thắng

Dự thảo luật mới còn nhiều điểm chưa hợp lý

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Ngọc Tú, người có 30 năm công tác trong ngành thuế, hiện là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận định, theo quy định hiện hành, hộ - cá nhân kinh doanh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà được áp dụng mức thuế khoán 1,5%/năm dựa trên doanh thu kỳ trước, bao gồm 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân.

"Mức thu thuế đối với người có doanh thu trên 100 triệu đồng đang không tương đồng với mức thuế suất của Luật Thuế thu nhập cá nhân, trong khi Thuế thu nhập cá nhân cũng được Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định đã lỗi thời.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân hiện nay là 11 triệu đồng mỗi tháng cho người nộp thuế, tương đương 132 triệu đồng/năm, chưa kể mức giảm trừ người phụ thuộc. Như vậy, những người nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có hai người phụ thuộc sẽ không phải nộp thuế" - TS Tú cho biết.

Theo ông Tú, đề xuất nâng mức doanh thu lên 150 triệu đồng/năm là không hợp lý vì mức thuế VAT và thuế TNCN chưa tương đồng. Cá nhân người làm công ăn lương phải nộp thuế TNCN, trong khi cá nhân kinh doanh phải nộp đồng thời cả thuế TNCN và thuế VAT.

"Nếu sắp tới đây thuế TNCN được điều chỉnh mức chịu thuế lên 20 triệu/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm thì mới phải nộp thuế thì mức này lại không tương đồng với mức chịu thuế VAT 150 triệu đồng/năm mà cơ quan thuế đề xuất. Tôi đề nghị, khi tính toán điều chỉnh một luật thuế, cơ quan thuế phải tính toán sự tương thích của trên toàn bộ hệ thống thuế" - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề xuất.

Ông Tú cho rằng, Bộ Tài chính có thể quy định cách tính thuế bằng phương pháp tự trượt, hằng năm được điều chỉnh bằng mức trượt giá CPI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

"Ví dụ: Mức trượt giá của năm 2024 tăng 4% thì mức tăng VAT phải nhân với mức 4% đó để tự trượt, từ đó sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế" - TS Tú nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn