MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Taxi hoạt động trên đường phố Hà Nội.

Đề xuất quản lý taxi Hà Nội theo vùng, màu sơn: Doanh nghiệp “than trời”, Sở GTVT bảo “chưa chốt”!

Khánh Hoà LDO | 29/06/2017 06:50
Các đề xuất trong xây dựng “Dự thảo quy chế quản lý taxi ở Hà Nội” về việc buộc các DN taxi đấu thầu quyền khai thác xe, sử dụng chung trung tâm điều hành hay cấm xe taxi ngoại thành bắt khách ở nội thành... đang khiến các DN taxi “kêu trời”. Trong khi đó, nhiều khách hàng cũng như chuyên gia nhận định là không khả thi và gây khó dễ cho cả đơn vị cung ứng dịch vụ lẫn khách hàng!
Nhiều đề xuất không hợp lý, gây khó DN

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HH Vận tải Việt Nam cho rằng, không nên trói buộc DN như vậy vì “thị trường sẽ quyết định tất cả, tại sao không tìm cách quản Uber, Grab hay xe dù bến cóc mà lại tìm cách trói các DN taxi truyền thống?” Ông Thanh cho hay, các DN taxi rất bức xúc và đã phản ánh lên Hiệp hội và nhận định Hà Nội nên xem xét làm thế nào quản lý chặt mà vẫn để cho DN phát triển chứ đừng làm kiểu gây khó khăn, trói buộc họ thêm đồng thời cũng cần xem quy chế trên có đúng tính pháp lý không.

Trước đó, ngày 24.6 Hiệp hội vận tải Hà Nội có công văn số 27/CV-HH kiến nghị Bộ Tư pháp, Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hiệp hội khẳng định đã nhiều lần góp ý vào các dự thảo của Quy chế trên nhưng tới dự thảo lần thứ 4, các ý kiến góp ý không được tiếp thu và dự thảo lần thứ 4 còn nhiều vấn đề mà nếu đi vào thực tế sẽ tạo ra nhiều bất cập và rủi ro cho doanh nghiệp taxi.

Liên quan tới vấn đề đấu thầu và quyền khai thác phương tiện, Hiệp hội cho rằng, các đề xuất này đang “sai về mặt bản chất chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý địa phương và dễ nảy sinh tiêu cực. Cụ thể việc Sở GTVT vừa là cơ quan quản lý vừa là bên giao thầu sẽ không đảm bảo tính khách quan trong việc đấu thầu, dễ nảy sinh tiêu cực. Hiệp hội cũng dẫn chứng về việc Hà Nội đã có chủ trương ngừng cấp phù hiệu taxi từ năm 2012 nhưng đến tháng 6.2016, tổng số phù hiệu đã cấp là 19.141 chiếc (tăng 1.741 chiếc), như vậy gần 2.000 phù hiệu tăng thêm được cấp cho ai, theo tiêu chuẩn nào mà các doanh nghiệp taxi chưa có bất cứ một thông tin công khai nào từ cơ quan quản lý. Việc đấu thầu quyền khai thác được đánh giá là đang đẩy doanh nghiệp vào thế bị động, tước quyền tự chủ kinh doanh, làm cho số lượng phương tiện của DN không ổn định.

Hiệp hội cũng phản ứng mạnh mẽ về đề xuất thành lập trung tâm điều hành chung của các đơn vị vận tải taxi và cho rằng việc này không làm chất lượng dịch vụ hay việc quản lý nhà nước tốt hơn mà trái lại làm gia tăng thêm bộ máy hành chính, tăng gánh nặng ngân sách, tạo nên mô hình mang dáng dấp hợp tác xã bao cấp trái với quy luật của kinh tế thị trường. Hiệp hội lo ngại khả năng nhân viên điều hành sẽ có hành vi ăn dơ với DN, lái xe để điều chuyển các cuốc khách, tạo cơ chế xin cho. Ngoài ra các vấn đề về ngừng hoạt động và thay thế phương tiện cũng được cho là chưa hợp lý khi thời gian thực hiện quá ngắn, 15 ngày để trả lại phù hiệu và 90 ngày để thay thế phương tiện.

Bị phản ứng, Sở GTVT nói gì?

Trong khi Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định nhiều lần góp ý bằng văn bản về quy chế này, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội - đơn vị chắp bút dự thảo này lại cho biết, chưa tiến hành lấy ý kiến chính thức mà mới tổ chức “trao đổi giữa Hiệp hội DN và Sở GTVT để tham mưu xem có ý tưởng nào hay trong quản lý hay không”. Ông Long cho rằng dự thảo lần 4 mà Hiệp hội vận tải phản ứng chưa phải bản chính thức mà mới đang “qua Sở Tư pháp thẩm định”.

Liên quan đến đề xuất gây tranh cãi về Trung tâm điều hành chung, ông Long khẳng định, đây là “ý tưởng rất tốt nếu thực hiện được nhưng đầu tiên phải xây dựng phần mềm quản lý” và đây là chủ trương mong muốn của lãnh đạo thành phố. Mục tiêu của Hà Nội về trung tâm điều hành chung là điều tiết được số xe ở trong khu vực trung tâm ở từng quận huyện và DN tuỳ theo phương án kinh doanh sẽ đăng ký hoạt động để TP giám sát, điều tiết hoạt động của các phương tiện còn việc kết nối với hành khách là việc của các DN do họ tự triển khai.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho hay, tổng đài điều hành đang trong giai đoạn nghiên cứu, phải xây một phần mềm để quản lý và liên quan tới công tác tổ chức giao thông với từng địa bàn trên thành phố. Sở GTVT sẽ để cho DN chủ động đăng ký chứ không ép DN phải vào vùng nào. Liên quan tới thời hạn sau ngày 1.1.2019, DN taxi buộc phải sử dụng trung tâm điều hành chung nếu không sẽ bị cắt tần số dịch vụ và thu hồi giấy phép kinh doanh, ông Long cho rằng, nếu có được phần mềm sẽ làm kịp còn phần mềm do Sở TTTT xây dựng với mục tiêu hướng tới TP thông minh. Khánh Hoà

* Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Công Hùng, Phó TGĐ Cty CP Open 99 Group Taxi cho rằng, việc đấu thầu quyền khai thác phương tiện sẽ khiến DN và người lao động nơm nớp lo âu và khó yên tâm hoạt động bởi với mỗi đầu xe cứ 8 năm lại phải đấu thầu làm phát sinh chi phí rất lớn mà không biết có trúng thầu hay không, nếu trượt thầu, DN có nguy cơ phá sản, người lao động không biết về đâu.

Theo ông Hùng, tại Hà Nội, mỗi ngày Cty này phải sử dụng tới 70 nhân viên chia 3 ca để vận hành tổng đài và giải quyết vô số chuyện phức tạp giải. Nếu Hà Nội vận hành một trung tâm điều hành chung cho 19.200 xe taxi thuộc các hãng khác nhau thì sẽ không khả thi. Còn việc phân vùng taxi được nhận định là khó quản lý bởi “DN có trụ sở ở nội đô nhưng ký hợp đồng với khách hàng ở Thường Tín thì không có lý gì lại cấm chúng tôi ra ngoại ô đón khách chờ khách”.

* Dự thảo đề xuất thành lập tổng đài điều hành chung cho xe taxi thông qua các hình thức telecom, bộ đàm, phần mềm. Taxi sẽ bị phân vùng theo địa giới hành chính gồm nội thành và ngoại thành. Đến năm 2025 taxi sẽ thống nhất màu sơn taxi theo khu vực và do UBND TP quyết định. Các xe taxi hoạt động tại ngoại thành khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong nội thành chỉ được trả khách, không được đón khách tại các điểm đó. Muốn cung ứng dịch vụ, các DN taxi phải tham gia đấu thầu theo số lượng xe được phép bổ sung. Mỗi xe taxi chỉ được khai thác 8 năm từ năm sản xuất và nếu ngừng hoạt động trước thời hạn thì xe thay thế cũng chỉ được khai thác các năm còn lại của phương tiện trước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn