MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất tăng giá điện: Doanh nghiệp, người dân sẽ chịu cảnh tăng giá 2 lần

Cường Ngô LDO | 26/09/2022 16:37

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do giá nhiên liệu tăng đột biến. Đại diện EVN đề nghị cho phép điều chỉnh giá điện một cách kịp thời. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đề xuất tăng giá điện và EVN cũng cần tiết kiệm tối đa chi phí, huy động tối ưu các nguồn điện.

Đề xuất tăng giá điện

Tại hội thảo về phát triển năng lượng ngày 23.9, đại diện EVN đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh giá bán lẻ điện kịp thời theo Quyết định 24/2017.

Lý do là tập đoàn này đang đối mặt khó khăn lớn. 8 tháng đầu năm, giá thành khâu phát điện (vốn chiếm tỉ trọng 82,45% trong cơ cấu giá), tăng quá cao vì giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào leo thang.

3 năm liên tiếp, giá bán điện bình quân chưa được tăng theo biến động đầu vào (kể từ tháng 3.2019), khiến cho EVN đang lỗ nặng (6 tháng đầu năm 2022, lỗ sau thuế hợp nhất là 16.586 tỉ đồng).

Các chuyên gia cho rằng đề xuất tăng giá điện cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Ảnh minh hoạ, nguồn Trần Lam 

Trước đề xuất tăng giá điện, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, báo cáo cho thấy EVN đang lỗ nặng do chi phí giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện trong nước và thế giới tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao. Nên việc điều chỉnh tăng giá điện là cấp bách và hợp lý. Vấn đề là cơ chế điều chỉnh giá thế nào. 

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, cần có lộ trình, không nên quyết định ngay một cách hành chính. Nên có bước chuẩn bị về tâm lý để người dân, doanh nghiệp có thể chấp nhận được, các ngành sản xuất chủ động tính toán chi phí đầu vào cũng như có thời gian kịp đổi mới công nghệ. 

Đánh giá kỹ tác động

Trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công Thương cho rằng, việc tăng giá điện này, Chính phủ cần phải trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới để xem xét, đánh giá kỹ các tác động của việc tăng giá điện với đời sống - xã hội.

Giá điện đang đứng trước áp lực tăng giá khi các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện đều tăng vọt từ đầu năm đến nay. Hiện bình quân giá than trộn của TKV, Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng 63%. Giá than nhập khẩu cũng tăng hơn gấp đôi, lên 304,8 USD/tấn. Dầu thô Brent lên 104,4 USD/ thùng, gấp gần 2,5 lần. Theo Luật Điện lực 2014, khi các đầu vào để tính giá điện thay đổi thì cần tính toán lại đầu ra cho phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, EVN lý giải việc đề xuất tăng giá điện là do nguyên liệu đầu vào (than, dầu) tăng, thì đối với các ngành nghề khác, nguyên liệu đầu vào tăng, họ cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, nếu giờ tăng giá điện nữa thì doanh nghiệp, người dân lại phải chịu cảnh tăng giá hai lần (vừa tăng nguyên vật liệu đầu vào, vừa tăng giá điện).

Giá bán lẻ điện bình quân, theo quy định hiện là 1.864,44 đồng một kWh, áp dụng từ năm 2019 đến nay. Mức này được Chính phủ quy định cứng (theo từng thời kỳ, năm) và là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn