Cần làm rõ thêm mục đích, tác động
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành game tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2021, có đến 28,4 triệu người chơi game tại Việt Nam, doanh thu mang về hơn 665 triệu USD; 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Australia là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam...
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng. Ngay sau đề xuất này, nhiều ý kiến phản biện đã được đưa ra.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI, trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online, bao gồm nhiều định kiến như mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhận định, nhiều trò chơi hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ.
"Do vậy cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online", ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội - cho rằng, cần có thêm những nghiên cứu và bằng chứng khoa học để thấy game online có thể ảnh hưởng sức khỏe tới mức cần can thiệp, như vậy mới có thể có căn cứ chặt chẽ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về phía doanh nghiệp, các ý kiến ghi nhận gần đây cho thấy, giới doanh nghiệp trong nước cho rằng, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho game online sẽ có thể có một số hệ quả như tăng giá game, người dùng giảm, thúc đẩy việc sử dụng phần mềm trái phép,...
Hệ quả phần lớn doanh nghiệp trong nước sẽ không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ở thị trường này.
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn thiện
Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet (game online) được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo Bộ Tài chính, đây là loại hình giải trí gắn liền với sự phát triển của Internet, có tính tương tác giữa người chơi với máy chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thông qua thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, máy chơi game và thiết bị di động.
Đề xuất cho rằng trò chơi điện tử tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút sự tham gia của mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng.
Trả lời câu hỏi của PV về việc có những lo ngại nhất định nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - cho biết, Bộ Tài chính đang xin ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chứ chưa phải là dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một số nhóm nội dung trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, xem xét mở rộng cơ sở thuế, củng cố nguồn thu ngân sách. Trong đó, đặt vấn đề bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Thông tin truyền thông đề nghị chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game
Tại Diễn đàn Game Việt Nam 2023 diễn ra ngày 1.4 ở TPHCM, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Các công ty game trong nước đang kêu trời khi Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành game. Ngành này còn đang phát triển, cần phải nuôi dưỡng trước khi tính đến việc thu thuế đặc biệt".
Ông Lê Quang Tự Do khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông đang hợp tác cùng các bộ ngành khác để có chính sách ưu tiên hơn cho ngành game trong tương lai.
"Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Tài chính về việc bỏ áp thuế đặc biệt do không hợp lý. Cơ quan quản lý đang nghiên cứu thêm nhiều cơ chế thử nghiệm, trình chính phủ bỏ bớt giấy phép, thủ tục hành chính trong việc phát hành game cho các doanh nghiệp trong nước", ông Do cho hay.
Ông cho thông tin, bộ đang đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng lên mức một tỉ USD. Hiện toàn ngành chỉ có 30 doanh nghiệp đang hoạt động nên cần tăng lên con số trong thời kỳ hoàng kim của ngành game là 100-150 doanh nghiệp. Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội cũng đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở bộ môn đào tạo cho ngành game. Ngoài ra, Bộ đã kết nối với Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học FPT và Trường Đại học Bách Khoa... để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành game.