MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất tính điện một giá: Giá bán lẻ bình quân còn có ý nghĩa?

CAO NGUYÊN LDO | 11/08/2020 16:33

Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, giá điện bán lẻ thì Chính phủ đã tính toán kỹ tất cả của các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mua bán, bán buôn… vậy khi đề xuất tính điện một giá lại nâng lên 145 hay 155% thì cần phải giải thích rõ ràng. Nếu tính như vậy thì giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ còn có hiệu lực hay ý nghĩa không?.

Theo dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là tỷ lệ phần trăm (%) của giá bán lẻ điện bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh). Và khi mức giá bán lẻ điện bình quân được cấp có thẩm quyền điều chỉnh, biểu giá bán lẻ điện cũng điều chỉnh theo.

Hiện Bộ Công Thương đang đưa ra hai phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để lấy ý kiến, gồm 5 bậc thang và một giá điện. Khách hàng được quyền chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Bộ Công Thương cũng đưa ra 2 kịch bản tính giá. Ở kịch bản 1, biểu giá luỹ tiến 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân cho kWh 0-100 và cao nhất 274% giá bán lẻ điện bình quân với kWh từ 701 trở lên. Còn điện một giá tương ứng 145% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.703 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT).

Bộ đưa ra 2 phương án cho người dân lựa chọn. Trong đó với phương án 1 giá điện thì người dân có thể phải trả 2.890 đồng cho 1 kWh.

Còn kịch bản 2, giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc có tỷ lệ thấp nhất 90% giá bán lẻ điện bình quân cho 0-100 kWh và cao nhất 185% giá bán lẻ điện bình quân từ 701 kWh trở lên. Còn điện một giá là 155% giá bán lẻ điện bình quân, khoảng 2.890 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT.

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, trong việc xác định giá đang có vấn cần phải xem xét lại. Việc đưa ra mức giá này là không hợp lý. Theo đó, người đưa ra quy định hướng dẫn bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng cũng như nghiên cứu xem xét lộ trình phương án là Bộ Công Thương. Trong khi Bộ Công thương là đơn vị quản lý EVN. Vậy tự quy định, tự hướng dẫn giá bán lẻ điện này có phù hợp hay không? Ông Thịnh đặt dấu hỏi.

Điều thứ 2 đã có quy định của Chính phủ về điện bán lẻ bình quân. Mà giá bán lẻ này đã bao gồm các chi phí đầu vào, các chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, mua bán, kinh doanh và lãi của ngành điện thì mới ra giá bán lẻ bình quân.

Cũng theo ông Thịnh, trong hai phương án Bộ Công Thương đưa ra chỉ có 1 mốc bậc 1 là 0 -100 là bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân. Còn 4 bậc trên từ 101 đến 200 và 700 trở lên thì mức đều cao hơn giá bán lẻ điện bình quân. “Rõ ràng giá bán lẻ bình quân thực tế cao hơn điện bình quân Chính phủ quy định. Như vậy giá điện bán lẻ còn có ý nghĩa gì nữa. Ngoài ra, khi cao hơn thì có một khoản lồi ra, do mức quy định của bậc này. Vậy số dư này sẽ đi đâu. Bản thân của EVN cũng như kinh doanh điện đã tính lợi nhuận để hình thành mức giá điện bình quân rồi”, ông Thịnh nói và đề nghị cần Bộ Công Thương phải phân tích rõ ra.

Về vấn đề tính điện 1 giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án quy định 145% và hai là 155% so với giá bán lẻ điện bình quân. Theo ông Thịnh, như đã nói thì giá bán lẻ thì Chính phủ đã tính toán kỹ tất cả của các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh, mua bán, bán buôn… Vậy tại sao lại nâng lên 145 hay 155% thì cần phải giải thích rõ ràng. Nếu tính theo điện một giá thì giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ còn có hiệu lực hay ý nghĩa không? Nếu như thế này thì người dùng điện ít quá thiệt thòi”, ông Thịnh nói thêm.

Theo vị này, trong khi đó Chính phủ có một cơ quan quản lý giá đó là Cục Quản lý giá Bộ Tài chính nhưng cơ quan này chưa có vai trò gì trong quy định hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn