MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại nhiều ngân hàng thương mại, lãi suất huy động hiện đã vượt 8%/năm. Ảnh: Cẩm Văn

Đề xuất vay 3 năm, lãi suất 0%: Thiếu thực tế, phi thị trường

Văn Nguyễn LDO | 10/04/2020 11:00

Đề xuất cho các tập đoàn, tổng công ty được tiếp cận gói tín dụng với lãi suất 0%/năm với thời hạn tối thiểu 3 năm phản ánh thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay, đề xuất này không có tính khả thi.

Không thể dùng vốn ngân hàng

Trong các giải pháp mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây đưa ra nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất 0% trong thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm gây rất nhiều chú ý.

Kiến nghị này của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhắc đến gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 285.000 tỉ đồng đang được các ngân hàng thương mại triển khai hiện nay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch. Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, triển khai hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng thương mại đến đầu tháng 4 cơ bản giải ngân được khoảng 100.000 tỉ đồng trong số này với mức lãi suất giảm khoảng 0,5-1,5%/năm so với mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động xung quanh đề xuất cho vay lãi suất 0% trên đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đề xuất này của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng như các đề xuất, kiến nghị khác đang tiếp tục được cơ quan ngân hàng Trung ương tập hợp.

“NHNN cũng chưa bàn cụ thể được về đề xuất cho vay với lãi suất 0% để đưa ra chính sách hợp lý và khả thi” - ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Về phía các ngân hàng thương mại, khảo sát của phóng viên cho thấy mặt bằng lãi suất huy động VND các kỳ hạn 12 - 36 tháng ở thời điểm ngày 9.4.2020 đang phổ biến trong khoảng 6,5 - 8,2%/năm. Ngay tại các ngân hàng thương mại quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank thường có mức lãi suất thấp hơn so với thị trường và đang ở tuyến đầu thực hiện các chương trình hỗ trợ tín dụng, mức lãi suất huy động VND các kỳ hạn 1 - 3 năm cũng đang phổ biến trong khoảng 6,5 - 6,8%/năm.

Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, chưa tính thêm các chi phí nhân sự, quản lý hay dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng, mức lãi suất các ngân hàng đang phải trả cho người gửi tiền cho thấy đề xuất các ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất 0%/năm là không thực tế, phi thị trường nếu không có nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách, mà ở đây cụ thể là việc cấp bù lãi suất.

Muốn cho vay 0%, phải có vốn ngân sách

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho rằng, để có thể triển khai cho vay được với lãi suất 0%/năm như đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ cần đến một gói hỗ trợ của Chính phủ và các ngân hàng khi triển khai sẽ được cấp bù lãi suất, tương tự như việc triển khai gói cho vay 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở những năm trước đây.

“Nếu chỉ dựa vào nguồn vốn của các ngân hàng thương mại thì không thể làm được bởi ngân hàng sẽ chỉ thực hiện được việc miễn giảm một phần lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu và giảm một phần lãi suất cho vay mới được thôi” - bà Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh.

Chưa kể trong bối cảnh hiện nay, dù đang thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu cũng như giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng cũng sẽ phải tính toán rất kỹ để đưa ra mức giảm lãi suất phù hợp với nguồn vốn, tình hình tài chính cũng như sức chống chịu nội tại của mỗi ngân hàng nhằm vừa đảm an toàn hệ thống, vừa duy trì biên lợi nhuận tối thiểu.

Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Thị Phượng cho hay, mức điều chỉnh giảm lãi suất bao nhiêu theo đó sẽ rất khác tùy thuộc vào mỗi ngân hàng do mỗi ngân hàng có lãi suất đầu vào khác nhau, như các ngân hàng có tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao thì giá vốn đầu vào sẽ thấp nên dư địa để giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng sẽ nhiều hơn.

“Đối tượng cho vay tại các ngân hàng khác nhau cũng sẽ quyết định mức lãi suất khác nhau. Như tại Agribank, do đối tượng cho vay ưu đãi nhiều nên bình quân lãi suất đầu ra thực tế đang thấp hơn các ngân hàng thương mại khác cho vay tiêu dùng. Do đó biên lợi nhuận giữa các ngân hàng cũng sẽ rất khác nhau” - bà Phượng đánh giá.

Một dẫn chứng khác cho thấy việc cho vay với lãi suất 0% là rất khó khả thi và phi thị trường chính là việc đến nay mới có rất ít các ngân hàng có thể thực hiện việc giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm theo sau lời kêu gọi của lãnh đạo NHNN nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Những ngân hàng công bố giảm lãi suất tới 2%/năm cho đến nay vẫn chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV hay Vietinbank vốn có tiềm lực rất mạnh về nguồn vốn. Ngay cả với Vietcombank, việc giảm mạnh lãi suất cho vay khiến lãi suất cho vay với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hiện chỉ còn từ 4-4,5%/năm và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh thu cũng như lợi nhuận của ngân hàng.

Bởi theo ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank, mức lãi suất 4-4,5%/năm này thực tế đang thấp hơn nhiều mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn