MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Tô Trung Thành cho biết nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất. Ảnh: NEU

Đem về giá trị gia tăng cao nhất nhưng khối tư nhân lại gặp khó khăn nhất

Đức Mạnh LDO | 17/04/2024 12:28

Theo GS.TS Tô Trung Thành, khu vực đầu tư tư nhân dù mang lại giá trị gia tăng cao nhất nhưng lại gặp nhiều khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua, kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia - Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 diễn ra vào hôm nay (17.4), GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - đánh giá tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 kém hơn nhiều so với giai đoạn trước COVID-19. Trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

"Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân…

Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới" - GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Hội thảo khoa học quốc gia: Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 - Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới. Ảnh: NEU

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cũng cho rằng sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.

Nhận định chi tiết hơn, GS.TS Tô Trung Thành - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - cho biết, việc quản lý tổng cầu trong giai đoạn vừa qua có vấn đề khi hầu hết các yếu tố đều gia tăng nhập siêu, đặc biệt là khu vực FDI. Riêng khu vực đầu tư tư nhân, dù mang lại giá trị gia tăng cao nhất nhưng lại gặp nhiều khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua, kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế trong giai đoạn tới.

"Trong mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện mà muốn đạt mục tiêu thì phải dùng các chính sách thúc đẩy tổng cầu. Tuy nhiên để kích thích tổng cầu mà không ảnh trưởng đến kinh tế vĩ mô và tài chính quốc gia thì cần lưu ý về liều lượng và trọng tâm" - GS.TS Tô Trung Thành chia sẻ.

Các chuyên gia đánh giá tổng cầu trong năm 2023 có sự suy yếu. Các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện. Ảnh: NEU

Về liều lượng, GS.TS Tô Trung Thành đề xuất cần tập trung đẩy mạnh các chính sách tài khóa hơn chính sách tiền tệ do còn dư địa. Với chính sách tiền tệ, thay vì tập trung giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng thì cần gia tăng hiệu lực chính sách, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khối tư nhân.

Ông Thành nhấn mạnh về việc cần coi khu vực tư nhân là quan trọng nhất, từ đó việc thiết kế chính sách cần tập trung vào lĩnh vực này. Trong đó bao gồm hỗ trợ giảm các loại thuế phí cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Giảm thuế phí cả chính thức và không chính thức...

Với đầu tư công, chất lượng và hiệu quả là mấu chốt. Cần tập trung vào cơ sở hạ tầng liên vùng, phát triển khoa học công nghệ, hệ thống trường học... từ đó tăng tổng cầu trong dài hạn.

Ngoài ra cũng cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khai thác hiệu quả các FTA, ban hành khung pháp lý về tiêu chí xanh... để thu hút thêm giá trị gia tăng.

Bên lề sự kiện cũng diễn ra buổi họp báo công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên. Ảnh: NEU

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn