MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đến khi nào Nhật Bản mới tăng lãi suất?

Quý An (theo Wall Street Journal) LDO | 19/12/2022 14:22

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã duy trì mức lãi suất dưới 0 kể từ năm 2016, trong khi các ngân hàng trung ương ở các nước đã tăng mạnh lãi suất.

Nhật Bản đang trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Lạm phát gia tăng, đồng Yên giảm mạnh. Một số nhà kinh tế và doanh nghiệp đổ lỗi cho chính sách lãi suất âm đã làm giảm đi khả năng cạnh tranh và chi tiêu của chính phủ. Điều này đã gây áp lực lên Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải tăng lãi suất.

Nhưng nỗ lực kéo dài ba thập kỉ của Tokyo nhằm vực dậy nền kinh tế trì trệ và chống lạm phát bằng chi tiêu thâm hụt đã đẩy mức nợ của chính phủ Nhật Bản lên mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Một số chuyên gia cho biết, bất kì sự gia tăng đáng kể nào về lãi suất sẽ làm tăng chi phí trả nợ, có thể gây ra một vòng luẩn quẩn vay mượn nhiều hơn với lãi suất cao hơn kèm theo tình trạng hỗn loạn thị trường.

Chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất của Nhật Bản và nước ngoài đã làm đồng Yên giảm giá trị đi 20% trong năm nay, gần mức thấp nhất kể từ cuối những năm 1990. Đồng Yên giảm giá trị cũng làm tăng hóa đơn nhập khẩu, làm tiền lương của người Nhật yếu hơn của người nước ngoài.

Đồng Yên Nhật đang bị giảm giá trị. Ảnh: Xinhua

Các công ty du lịch Nhật Bản đang quảng bá chương trình thị thực việc làm ngắn hạn có tên “Working Holiday” cho thanh niên nước này ở Úc, nơi mức lương tối thiểu theo giờ cao gấp đôi Nhật Bản theo tỉ giá hối đoái hiện tại.

Các trang trại và nhà máy thì đang phải vật lộn để giữ chân những người lao động đến từ Đông Nam Á, nhóm lao động có mức lương ở Nhật vốn đã rất khiêm tốn trước khi đồng Yên giảm giá trị.

Nhật Bản là thị trường lớn duy nhất mà doanh thu thuần của gã khổng lồ công nghệ Apple sụt giảm trong năm tính đến tháng 9.2022. Các nhà phân tích cho rằng một phần là do đồng Yên yếu đi khiến điện thoại iPhone trở nên đắt đỏ hơn.

Nhà kinh tế học Adam Posen - Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc tế Peterson - cho biết: “Nếu đồng Yên tiếp tục giảm giá, cùng với việc nguồn lao động chất lượng muốn ra nước ngoài làm việc thì đến một thời điểm, BOJ sẽ phải tăng lãi suất cao hơn để duy trì hoạt động của chính phủ Nhật Bản.

Hiromichi Shirakawa - Kinh tế trưởng về Nhật Bản của Credit Suisse - cho rằng, mặc dù giá trị thấp của của đồng Yên một phần là do chênh lệch lãi suất, nhưng cũng phản ánh “sự suy thoái về cơ cấu” của nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là khả năng cạnh tranh từ các nhà sản xuất đội địa bị giảm sút.

Cho đến nay, BOJ vẫn dự kiến ​​sẽ giữ mục tiêu âm 0,1% đối với lãi suất ngắn hạn trong cuộc họp vào tuần này.

Tỉ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm qua là 3,6% trong tháng 10.2022. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) đang ở mức 1,5%. Mức tăng trưởng tiền lương (chỉ tiêu mà từ lâu BOJ đã coi là chìa khóa để đạt được mục tiêu lạm phát 2%) gần đây đã tăng từ 1% lên 2%.

Trong cuộc họp báo vào tháng trước, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda từng phát biểu: “Các ngân hàng trung ương ở Hoa Kỳ và Châu Âu nhanh chóng tăng lãi suất vì họ lo ngại về nguy cơ rơi vào vòng xoáy tiêu cực của việc tăng lương và tăng giá. Tình hình ở nước ta thì khác”. Ông Kuroda cũng dự kiến rời vị trí Thống đốc vào tháng 4.2023 sau 10 năm làm việc cho BOJ.

Có lẽ đơn vị chịu rủi ro lớn nhất nếu BOJ tăng lãi suất là chính phủ Nhật Bản. Sau khi ông Kuroda trở thành Thống đốc BOJ vào năm 2013, ngân hàng đã tăng mạnh hoạt động mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro khác, một chương trình được mệnh danh là “khẩu bazooka của Kuroda”.

Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho rằng tình hình ở Nhật Bản có sự khác biệt trong khi nhiều ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất. Ảnh: Xinhua

Năm 2016, BOJ đã công bố chính sách lãi suất âm đầu tiên của nước Nhật. Chính sách này nhanh chóng bổ sung cái gọi là “kiểm soát đường cong lợi suất”, qua đó tìm cách giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm quanh mức 0% bằng cách mua chứng khoán bất cứ khi nào lợi suất vượt quá phạm vi.

Hệ quả là chính sách này đã cho phép chính phủ Nhật Bản vay ồ ạt để chi trả cho các gói kích thích kinh tế thường xuyên và chi phí chăm sóc nhóm dân số già ngày càng tăng mà không làm tăng lãi suất trái phiếu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn