MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đến lượt các chủ thuỷ điện ở Quảng Ngãi bất lực nhìn nguồn nước lãng phí

THANH TUẤN LDO | 29/08/2023 16:31

Sau các nhà máy thuỷ điệnKon Tum, các chủ nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ ở tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị lên Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Bộ ngành Trung ương, phản ứng về việc tiết giảm công suất, bị sa thải…

Nhà máy không được phát huy hết công suất thiết kế

Nguồn nước chảy là nguồn điện năng mang lại doanh thu để trả vốn vay ngân hàng. Nhưng hiện các chủ thuỷ điện đành bất lực nhìn dòng nước cuồn cuộn về xuôi trong khi không sử dụng hết công năng vốn có của nước.

Ngày 29.8, đại diện các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ (được huy động theo cơ chế chi phí tránh được) ở tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay thuỷ điện không phát huy hết công năng, hiệu suất thiết kế với nguồn nước dồi dào sẽ làm lãng phí tài nguyên, dẫn đến hậu quả giá điện tăng cao, người dân khó tiếp cận được nguồn điện giá rẻ.

Các nhà máy thuỷ điện như: Công ty CP thuỷ điện Nước Trong, Công ty TNHH MTV Năng lượng SOVICO Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần HP… đều phản ứng, nhức nhối với việc tiết giảm công suất giữa mùa mưa.

Như Báo Lao Động phản ánh, từ tháng 3 năm 2023 đến nay, các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ ở Quảng Ngãi, Kon Tum thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải… không được Tổng Công ty Điện lực miền Trung huy động công suất, do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký.

Mùa mưa, các thuỷ điện vừa và nhỏ cung cấp nguồn điện giá rẻ so với nhiều loại hình thuỷ điện khác. Ảnh: Thanh Tuấn

Việc này gây khó khăn và thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ. Nguyên nhân phát vượt công suất theo thoả thuận mua bán điện là do nguồn nước, lưu lượng về qua tuabin lớn.

Cần tạo cơ chế để bổ sung nguồn điện giá rẻ

Anh K., đại diện một chủ thuỷ điện cho biết: “Mùa mưa, giá điện của dự án thuỷ điện vừa và nhỏ chỉ có 706 đồng/1KW. Trong khi các nguồn điện khác như điện gió, điện mặt trời, điện khí, nhiệt điện thì có giá rất cao, từ 1.800 – 4.600 đồng/1KW. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá điện bán cho người dân tăng cao”.

Vào năm 2021, khi xảy ra tình trạng quá tải đường dây, các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên chấp hành giảm công suất phát có khi lên đến 50% công suất thiết kế của nhà máy.

Hiện nay điều kiện ổn định, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung nên để cho các nhà máy được phép phát tối đa theo công suất thiết kế và nguồn nước cho phép.

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Điện lực quy định: “Đơn vị phát điện có trách nhiệm lựa chọn công nghệ phát điện tiên tiến, có hiệu suất cao và thực hiện phương thức vận hành tối ưu thiết bị phát điện, để tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng dùng để phát điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.

Do đó, các nhà máy thuỷ điện Kon Tum, Quảng Ngãi kiến nghị ngành điện lực, cơ quan quản lý có thẩm quyền cần sớm tạo cơ chế, chính sách đảm bảo hiệu quả kinh tế phát điện.

Có nguồn điện giá rẻ, người dân miền Trung, Tây Nguyên được hưởng lợi, sinh hoạt thuận tiện, doanh nghiệp sản xuất giảm chi phí và làm giảm nguy cơ thiếu điện trên cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn