MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá thịt lợn trên thị trường ở mức từ 120.000-160.000 đồng do nguồn cung thiếu hụt và phải qua nhiều khâu trung gian. Ảnh: Kh.V

Đến tháng 7.2020, sẽ có đủ thịt lợn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Long Vũ LDO | 10/04/2020 17:20

Đến quý 3 và đầu quý 4, Việt Nam sẽ đạt số lượng đầu lợn tương đương thời kỳ cao nhất (khoảng 29 triệu con vào cuối năm 2018-PV) thời điểm trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, và lúc đó sẽ có đủ số lượng lợn để cung cấp cho thị trường.

Nguồn cung thiếu hụt 20-30%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra năm 2019 đã khiến tổng đàn lợn của cả nước bị thiệt hại 20% về số lượng và 9,3% về khối lượng. Sự thiếu hụt thịt lợn đã đẩy giá thịt lợn trên thị trường tăng cao.

Mặc dù số liệu của Bộ NNPTNT đưa ra là chỉ thiếu hụt nguồn cung khoảng 20% - tương đương số lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy - nhưng theo các chuyên gia kinh tế và các chủ trang trại chăn nuôi, số lượng bị tiêu hủy và chết do dịch tả lợn Châu Phi còn cao hơn nhiều. Điều này khiến việc đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg của 15 doanh nghiệp chăn nuôi trong thời gian vừa qua không phát huy được hiệu quả, khi giá lợn hơi trên thị trường vẫn ở mức 85.000-86.000 đồng/kg.

“Giá lợn hơi chỉ giảm được vài ngày rồi lại bật tăng trở lại, thậm chí tăng với mức cao hơn, bởi nguồn cung đang thiếu hụt không phải ở mức 20%, mà có thể ở mức 30%, thậm chí hơn” – ông Nguyễn Văn Chiểu – chủ trang trại chăn nuôi lợn tại ấp Đức Long I, xã Gia Tân II (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), nhận định.

Đến quý IV/2020, nguồn cung thịt lợn sẽ đủ đáp ứng tiêu dùng trong nước. Ảnh: Văn Giang

Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn cao, Bộ NNPTNT cho rằng, mỗi quý, thị trường cần từ 900-910 nghìn tấn, nhưng vừa qua mới đảm bảo từ 820-830 nghìn tấn, phải đến quý 3 và quý 4 mới đạt được sản lượng yêu cầu. Mặt khác, do giá thành chăn nuôi còn cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh và những khâu khác. Bên cạnh đó, phải qua nhiều khâu trung gian nên giá thịt lợn trên thị trường đã tăng cao trong thời gian qua.

Kiên quyết đảm bảo nguồn cung và giảm giá thịt lợn

Đến thời điểm này, việc tái đàn lợn đang đạt được những kết quả rất khả quan. Đến hết quý I/2020, tổng đàn lợn so với tháng 12.2019 đã tăng được 6,3% về số đàn, số đầu lợn trên cả nước đã đạt 24 triệu con.

"Với đà tăng này đến quý III và đầu quý IV, Việt Nam sẽ đạt số lượng đầu lợn tương đương thời kỳ cao nhất (cuối năm 2018) thời điểm trước khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, và lúc đó sẽ có đủ số lượng lợn để cung cấp cho thị trường” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định.

Đặc biệt, dù tốc độ tái đàn quý 1 đạt 6,3 % tổng thể chung, nhưng riêng ở khu vực 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn thì tốc độ tăng đến 17%. Bộ NNPTNT cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cùng bà con nông dân phối hợp giữa các tỉnh để tăng đàn nhanh nhất, đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Big C cam kết giảm 6-25% giá thịt lợn

Từ ngày 10.4.2020, Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ áp dụng Chương trình bình ổn giá thịt lợn, giảm từ 6% – 25% đối với tất cả các sản phẩm thịt lợn.

Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết: “Mức giảm giá này trước mắt áp dụng cho tất cả các sản phẩm thịt lợn bán tại hệ thống siêu thị Big C miền Bắc. Tiếp theo đó, sẽ tiếp tục theo dõi chuyển biến của thị trường và điều chỉnh phù hợp, hệ thống Big C cam kết sẽ bán thịt lợn với giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng”.

Theo đó, từ ngày 10-13.4.2020, giá thịt vai giảm 20%, còn 127.000 đồng/kg; thịt nạc dăm giảm 10%, còn 149.000 đồng/kg; thịt nạc thăn giảm 8%, còn 149.000 đồng/kg; sườn non giảm 11%, còn 169.000 đồng/kg; bắp giò giảm 9%, còn 142.000 đồng/kg; Thịt ba rọi giảm 14%, còn 145.900 đồng/kg… Ngoài ra, một số sản phẩm chế biến sẵn có sử dụng thịt lợn cũng giảm giá, như: Cà chua nhồi thịt giảm 15%, còn 46.000 đồng/0,5kg; khổ qua nhồi thịt giá giảm 16%, còn 52.000 đồng/0,5kg…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn