MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động học ngoại ngữ trước khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa. HẢI NGUYỄN

Đi du học, du lịch trá hình để xuất khẩu lao động "chui"

ANH THƯ LDO | 01/02/2019 16:42
Các chuyên gia cảnh báo trường hợp người lao động đi làm việc nước ngoài dưới hình thức du học trá hình hoặc du lịch sẽ gặp phải nhiều rủi ro, quyền lợi bị ảnh hưởng.

Năm 2018, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 142.000 lao động. Đặc biệt, việc đưa lao động đi làm việc ở những thị trường tốt chiếm tỷ trọng lớn, với 95% lao động làm việc ở 3 thị trường tốt nhất là Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Cùng với đó, người lao động đi làm việc tại các thị trường nhiều rủi ro như Malaysia, các nước Trung Đông giảm mạnh. Ngoài ra, một số thị trường mới cũng đã được mở ra như: Rumani, Bungary, CHLB Đức...

Trong năm vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tiếp rất nhiều đoàn của các nước đến với mong muốn ký kết hợp tác thỏa thuận xuất khẩu lao động. Với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra, gần như các nước đều có sự thiếu hụt lao động. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, thậm chí tiến trình già hóa của chúng ta đang diễn ra rất nhanh.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho rằng, mỗi năm có khoảng 800.000 người bước vào độ tuổi lao động, nhưng riêng số lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2018 với 142.000 người là rất cao. 

"Chúng tôi ước tính trong tổng số lao động tăng thêm mỗi năm, cố gắng cũng chỉ từ 20 – 25% là nên đi làm việc nước ngoài, còn lại chúng ta cần đóng góp vào sản xuất kinh doanh trong nước. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải xem lại chiến lược xuất khẩu lao động, có chọn lọc thị trường tốt và lao động có chất lượng. Số lượng đưa đi cũng nên giới hạn chứ không quá nhiều", ông Diệp nói.

Trao đổi về việc những trường hợp xuất khẩu lao động chui, trá hình du học, du lịch nổi lên gần đây, ông Diệp cho biết, phần lớn người lao động đều muốn đi qua các công ty xuất khẩu lao động nhưng có thể do không đủ điều kiện và phải học ngoại ngữ, yêu cầu có tay nghề nhất định, do đó, họ lựa chọn qua con đường du học.

Về phía đối tác, hiện Nhật Bản đã rà soát vấn đề này. Một số công ty du học của Việt Nam cũng đã bị đình chỉ với tư cách đứng ra bảo lãnh xin visa cho người lao động đi.

Việt Nam cũng đang rà soát lại các diện đi theo học bổng, du học sinh, nhằm không để lọt và làm biến tướng hình thức đi du học nhưng thực chất là đi xuất khẩu lao động.

Theo ông Diệp, thực tế là những biến tướng trên xuất phát từ một phần họ muốn giảm chi phí. Chẳng hạn đi Đài Loan bình thường mất khoảng 4.000 USD nhưng nếu đi “chui” qua du lịch có thể chỉ mất tiền vé máy bay, chi phí visa... Ngược lại, họ sẽ không được đào tạo, không có ngôn ngữ và đầy rủi ro.

Do vậy, đối với người lao động khi muốn đi làm việc ở nước ngoài phải nhận thức được những rủi ro có thể xảy ra và lựa chọn cách đi tốt nhất để được bảo vệ, không vi phạm pháp luật, không bị trục xuất về nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn