MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu tiêu dùng giảm trong 7 tháng ảnh hưởng đến tăng trưởng cuối năm. Ảnh: Vũ Long

Dịch bệnh COVID-19 làm giảm cầu tiêu dùng, thách thức tăng trưởng

Vũ Long LDO | 29/07/2021 16:37

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến cầu tiêu dùng trong nước giảm. Dù mức tăng CPI thấp nhưng không thể chủ quan.

Lạm phát thấp do cầu tiêu dùng yếu

Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,74% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,20%). Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7.2021 ước tính đạt 339,4 nghìn tỉ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), khẳng định: “Năm nay do ảnh hưởng của COVID-19 nên cầu tiêu dùng yếu, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) 6 tháng đầu năm mới tăng trung bình 1,47%. Với tốc độ tăng giá như hiện nay, lạm phát trung bình cả năm 2021 chỉ ở mức 2-2,5%”.

Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước sau khi loại trừ yếu tố giá, nghĩa là thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế là 5,64%. Trong khi đó, chỉ số này của năm 2020 đã giảm 5,77% so với cùng kỳ năm 2019, nên theo TS Nguyễn Đức Độ, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn còn thấp hơn giá trị tuyệt đối so với mức của năm 2019, nghĩa là đã giảm trong 2 năm qua.

Tổng mức bán lẻ nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm trong 7 tháng năm 2021. Nguồn: MPI

Số liệu nói trên của cơ quan thống kê cho thấy, dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là vùng ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh với tổng gói hỗ trợ là 26 nghìn tỉ đồng.

Đồng thời, các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với đại dịch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Ngoài các gói hỗ trợ của Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã sử dụng một phần kinh phí ngân sách địa phương để hỗ trợ các nhóm yếu thế, người lao động… do vậy, đời sống của người dân cơ bản ổn định.

Thách thức tăng trưởng cuối năm

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, nếu dịch bệnh COVID-19 tiếp tục phức tạp, thì tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới thu nhập, đời sống của người dân trong thời gian tới là rất lớn, cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời không chỉ đối với người dân, mà cần tập trung duy trì hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh đang tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội.

Mới đây, tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2021”, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cũng cảnh báo, dù tình hình lạm phát bình quân nửa đầu năm khá thấp, nhưng không thể chủ quan trong điều hành giá.

Trong các tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Trong đó có vấn đề giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng cao tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu, đẩy giá nguyên liệu sản xuất trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến kiềm chế lạm phát.

TS Nguyễn Đức Độ cũng nhấn mạnh, sự phục hồi kinh tế vừa qua chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Trong khi đó cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu do tác động của dịch bệnh. Đây là thách thức chính đối với tăng trưởng trong thời gian tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn