MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm khiến nông dân phải chịu nhiều thiệt hại. Ảnh minh họa: TL

Dịch bệnh trên vật nuôi gây thiệt hại 1.500 tỉ đồng

Vũ Long LDO | 17/09/2021 20:22

Tổng thiệt hại do dịch bệnh động vật gây ra ước tính hơn 1.500 tỉ đồng, ngoài ra còn ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, trong 8 tháng có khoảng 94 nghìn con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Nếu tính đến cuối năm nay, có khả năng có khoảng 100 nghìn con lợn bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, có khoảng 30 nghìn con trâu bò bị tiêu hủy do dịch bệnh viêm da nổi cục trên gia súc; trên 400 nghìn con gà phải tiêu hủy; về thủy sản, có hàng nghìn hecta tôm nhiễm bệnh… Thiệt hại của người chăn nuôi không hề nhỏ.

“Tổng thiệt hại do dịch bệnh gây ra ước tính hơn 1.500 tỉ đồng, chưa kể ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm và sản lượng, tăng trưởng xuất khẩu” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, bệnh dại đã làm chết 40 người và khoảng 500.000 người bị chó nghi mắc dại cắn buộc phải đi điều trị dự phòng, gây tổn thất về kinh tế khoảng 600 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh trọng điểm nuôi tôm, cá tra ở phía Nam. Nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội, một số hoạt động sản xuất, lưu thông (con giống, chế phẩm xử lý môi trường, thức ăn thủy sản), tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật thủy sản cũng gặp khó khăn; hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại thực địa, hoạt động giám sát chủ động dịch bệnh bị ảnh hưởng.

Từ nay đến cuối năm, nguy cơ các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản lây lan diện rộng ảnh hưởng lớn đến kinh tế, sức khỏe cộng đồng, thậm chí là cả tính mạng người dân là rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Cục Thú y đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022 - 2030; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 – 2030; cho phép xây dựng dự thảo nghị định riêng biệt về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP nhưng việc sửa đổi, bổ sung nghị định này gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều lĩnh vực.

Từ tháng 2.2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra và đến nay vẫn tiếp tục diễn ra trên phạm vi cả nước. Sau đó, từ tháng 10 năm 2020 đến nay, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đã xâm nhiễm vào Việt Nam và lây lan trên 51 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ tháng 6.2021 đến nay, bệnh cúm da cầm do chủng H5N8 cũng lần đầu tiên xâm nhiễm và lây lan ra 10 tỉnh thành phố.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn