MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch COVID-19 lần 2: Nhiều doanh nghiệp nhỏ "giật gấu" không đủ "vá vai"

Vũ Long LDO | 13/09/2020 17:22
Dịch bệnh COVID-19 lần thứ 2 tại Việt Nam đã khiến 20% doanh nghiệp phá sản, người lao động lao đao vì giảm thu nhập.

Nhiều lao động mất việc, giảm 50% thu nhập

Từ 3 tháng nay, thu nhập của chị Nguyễn Hiếu Mai – nhân viên bán hàng cấp cao của một doanh nghiệp bất động sản tại Park 7 - TPHCM sụt giảm đến 50%.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 2 khiến mọi giao dịch bất động sản gần như tê liệt. Không chỉ bất động sản "đóng băng", mà hầu như các dịch vụ “ăn theo” bất động sản như môi giới cho thuê chung cư, biệt thự cũng ngưng trệ.

"Các căn hộ cấp cao 2-3 phòng ngủ giá 20-30 triệu rất khó cho thuê. Trước dịch COVID-19 lần thứ 2, với các căn hộ cấp thấp hơn khoảng 1-2 phòng ngủ, nếu môi giới được khách thuê chúng tôi được cắt phí khoảng 17-18 triệu đồng, thì nay chỉ còn 12-13 triệu đồng, nhưng do khó khăn của COVID-19, 50% chi phí đó phải cắt lại cho công ty. Thu nhập của chúng tôi giảm rất mạnh, thậm chí có tháng chỉ còn vài triệu đồng lương cơ bản vì không có hợp đồng nhà đất nào"– Nguyễn Hiếu Mai chia sẻ.

Không riêng gì các dự án chung cư, biệt thự cao cấp bị ảnh hưởng, các “cò” buôn bán đất, “chạy việc vặt” lo giấy tờ, mua bán, cho thuê tại các khu tập thể nhỏ cũng trong tình trạng đói việc.

Nghỉ hưu từ 2 năm nay, nhưng tháng nào bà Nguyễn Thị Hà (Nhà B5 Tập thể Đồng Xa – Mai Dịch – Cầu Giấy – Hà Nội) cũng có khoản thu nhập vài chục triệu đồng từ môi giới mua đi bán lại các căn chung cư cũ, các mảnh đất lưu không; hoặc "hoa hồng" từ môi giới cho sinh viên, người có thu nhập thấp thuê nhà.

“Từ khi dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, người thuê nhà giảm. Các giao dịch mua bán nhà đất cũng tê liệt khiến tôi không có thêm thu nhập” – bà Hà cho hay.

Không riêng gì ngành bất động sản, các hoạt động du lịch ngưng trệ cũng khiến thu nhập của các hướng dẫn viên du lịch bị mất hết. Chị Nguyễn Thanh Hằng –nhân viên bán hàng của Công ty Du lịch ANZ phải kiêm thêm bán hàng online để duy trì mức sống cho gia đình.

Trên cả nước, có rất nhiều trường hợp như chị Hằng, chị Mai đang trong tình trạng thu nhập bị cắt giảm do ảnh hưởng của COVID-19 lần thứ 2, phải bươn chải nhiều nghề khác để kiếm sống, thậm chí những “nghề tay trái” của người lao động hiện nay đang là nguồn chính để mang lại thu nhập cho họ.

20% DN phải tạm dừng hoạt động

Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kết quả khảo sát ảnh hưởng của sóng COVID-19 lần thứ 2 tác động đến doanh nghiệp Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng khi dịch COVID-19 lần thứ 2 xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Vũ Long

Kết quả, 20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã phải tạm dừng hoạt động; 76% DN không cân đối được thu chi; 2% DN đã giải thể và chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự cũng phải cắt giảm lao động, hoặc chịu cảnh thua lỗ để duy trì hoạt động.

Anh Phạm Việt Hoài – Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt – doanh nghiệp đặc biệt với nhân lực lao động là người khuyết tật (nhưng còn khả năng lao động) cho biết: Doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi nguồn hàng tồn đọng do không có đơn hàng, bởi hiện nay, các nhà phân phối bán lẻ cho DN như CocoBay, Bà Nà Hill hoặc Taseco bán ở các sân bay họ đều đóng cửa gian hàng. Ở mảng quà tặng DN thì các công ty, tập đoàn cũng khó khăn nên việc cắt giảm chi phí. Thêm đó, lệnh không tụ tập đông người cũng khiến DN mất gần hết hợp đồng lớn.

Bên cạnh đó, do "hiệu ứng domino”, những nhà cung cấp vật liệu cũng điêu đứng và ảnh hưởng đến sản xuất của Kym Việt.

“Giờ tôi chỉ biết “giật gấu” thôi, vá được bất cứ chỗ nào thì tôi cố vá” – anh Hoài chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn