MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo xuất khẩu dệt may, da giày, nông sản, lâm sản sang EU tăng trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Vũ Long

Dịch COVID-19 phức tạp, xuất khẩu sang Châu Âu vẫn tăng mạnh nhờ EVFTA

Vũ Long LDO | 17/07/2021 19:00

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng, xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu vẫn tăng mạnh nhờ hỗ trợ tích cực của Hiệp định EVFTA.

Kim ngạch xuất khẩu tăng từ khi EVFTA được thực thi

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đang phát huy hiệu quả, tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu (EU). Từ khi EVFTA được thực thi, tăng trưởng kim ngạch thương mại 2 chiều trong quý I/2021 cao hơn nhiều so với mức tăng của 5 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2020. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý I/2021 kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 13,6 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU quý I/2021 đạt 9,65 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2020. “Đây là mức tăng trưởng đáng ghi nhận khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của khu vực vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020 trong bối cảnh kinh tế EU vẫn đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch COVID-19 diễn biến khó lường, ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng EU” - ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, khẳng định.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May - cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA, ngành dệt may đã có bước đột phá: Trong 6 tháng đầu năm 2021, dệt may đã xuất khẩu được 18,79 tỉ USD, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 4,23% so với cùng kỳ 2019.

Trước đó, “khi chưa có EVFTA, xuất khẩu mặt hàng dệt may vào thị trường này chỉ đạt từ 700 - 800 triệu USD, nhưng nhờ EVFTA trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 1,21 tỉ USD, tăng 14,38% so với cùng kỳ” - ông Vũ Đức Giang cho hay.

Bên cạnh mặt hàng dệt may, da giày, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang EU cũng tăng mạnh so với thời điểm chưa ký kết và triển khai EVFTA.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nền kinh tế các quốc gia thuộc EU khởi sắc sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA đang dần thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU ước đạt 314 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng vượt dịch bệnh

Theo thông lệ hàng năm, nhu cầu sửa chữa, hoàn thiện nhà ở mới tăng mạnh vào cuối năm, vì vậy, nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ sẽ tăng theo, xuất khẩu đồ gỗ sẽ khởi sắc trong những tháng cuối năm.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - cũng khẳng định: Hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam nhiều lợi thế. Với sự hỗ trợ của EVFTA, trong quá trình nhập khẩu máy móc hiện đại cũng sẽ giúp tăng năng suất và sức cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam tại thị trường EU.

Cục Xúc tiến Thương mại cũng đưa ra dự báo, trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục phục hồi khi tình hình kinh tế EU đang được cải thiện và có sự hỗ trợ của Hiệp định EVFTA.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 tại Liên minh Châu Âu vẫn còn phức tạp. Trong bối cảnh đó, chi phí logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao làm giảm lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam khi thực thi Hiệp định EVFTA đối với thương mại giữa các quốc gia trong khối FTA này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn