MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính

Trí Minh LDO | 19/08/2022 10:38

Theo báo cáo vĩ mô của VNDirect, ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch trong nước tiếp tục phát triển mạnh và nhu cầu trong nước phục hồi.

Nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu cuối năm. Ảnh: VGP
Báo cáo cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm tốc trong tháng 7. Theo đó, giá trị xuất khẩu giảm 7,7% so với tháng trước xuống còn khoảng 30,3 tỉ USD. Trong 7 tháng của năm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt mức 216,4 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng trong tháng 7 thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 20,7% so với cùng kỳ của tháng trước và 17,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Các chuyên gia của VNDirect duy trì quan điểm rằng các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giảm trong nửa cuối năm 2022. Sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu đã được phản ánh trong dữ liệu kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới khi GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý II, quý thứ hai liên tiếp.

Thị trường nhà đất lao đao do lãi suất tăng và lạm phát cao đã khiến chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như Châu Âu và Trung Quốc cũng phải đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong năm 2022.

"Vì vậy, hầu hết các tổ chức nghiên cứu đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,5 - 0,9 điểm % cho năm 2022 do hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm và đạt mức 14% cho cả năm 2022" - chuyên gia VN Direct nhận định. 

Các chuyên gia cũng nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt đỉnh vào quý III/2022, sau đó hạ nhiệt trong quý cuối cùng của năm. Trên cơ sở đó, VNDirect dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 11,0% so với cùng kỳ trong quý III.

Theo các chuyên gia phân tích, mức tăng trưởng cao này là nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, mức nền thấp trong quý III/2021 với GDP của Việt Nam giảm 6,0% so với cùng kỳ năm 2020. Thứ hai, ngành dịch vụ sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhờ du lịch, dịch vụ trong nước tiếp tục phát triển mạnh và nhu cầu trong nước phục hồi nhờ thu nhập của người dân cao hơn và thuế giá trị gia tăng giảm 2% (kéo dài đến hết năm 2022).

Cuối cùng, việc thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng như giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) tổng cộng 3.000 đồng/lít và giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 20% xuống 10%.

Ngoài ra, nhờ ngân sách dồi dào cho phép Chính phủ đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói kích thích kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2022, bao gồm giảm thuế VAT 2%, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỉ đồng và gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỉ đồng. Những chính sách này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 và 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn