MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách Trung Quốc đợi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Nguyễn Hùng

Điểm bán hàng tour 0 đồng: Doanh thu "khủng", nộp thuế "bèo"

Nguyễn Hùng LDO | 05/03/2019 10:13

Năm 2017, 32 điểm bán hàng phục vụ khách tour “0 đồng” tại Hạ Long và Móng Cái nộp tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng tiền thuế và năm 2018 tăng “đột biến” lên khoảng 11 tỉ đồng nhờ sự vận động, thuyết phục của các cơ quan chức năng đối với chủ của các cửa hàng.

Tuy vậy, theo những người trong cuộc, 11 tỉ đồng còn là quá thấp so với doanh thu khổng lồ của cái gọi là “bầu sữa” chính “nuôi” tour “0 đồng”.

Du khách tour “0 đồng” thăm vịnh Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, 14 điểm bán hàng chuyên phục vụ khách tour “0 đồng” tại TP.Hạ Long doanh thu đạt hơn 53 tỉ đồng, nộp thuế trên 1,3 tỉ đồng; trong khi 18 điểm ở Móng Cái đạt doanh thu hơn 12 tỉ đồng, nộp 258 triệu đồng tiền thuế.

Năm 2018, 14 điểm tại Hạ Long nộp thuế hơn 10,5 tỉ đồng, với doanh thu hơn 174 tỉ đồng, trong khi 18 điểm ở Móng Cái nhích lên được 633 triệu đồng tiền đóng thuế. Trong đó, có cửa hàng chỉ nộp hơn 1 triệu đồng/tháng.

Chia sẻ với Lao Động, đại diện một số Cty lữ hành có trụ sở tại Quảng Ninh cho rằng, doanh thu của các điểm bán hàng ở Móng Cái không kém gì với các điểm bán hàng ở Hạ Long; thậm chí có nhiều thuận lợi hơn do là điểm dừng chân đầu tiên khi khách nhập cảnh vào Việt Nam. Vì thế, sự chênh lệch quá lớn về số thuế thu được là quá bất hợp lý.

“Sở dĩ các điểm bán hàng ở Hạ Long nộp thuế nhiều hơn là do chính quyền thành phố và các lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp, kể cả dùng "những đòn cân não"” – đại diện một Cty lữ hành tại Hạ Long cho biết.

Tuy nhiên, tổng cộng số thuế của 32 điểm bán hàng được hơn 11 tỉ là còn quá thấp so với doanh thu thực tế, bởi các điểm bán hàng được coi là “bầu sữa” chính nuôi tour “0 đồng”.

Theo số liệu của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm có khoảng 400.000 khách tour “0 đồng” nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Với chi phí tối thiểu 3 triệu đồng/khách/tour 3 đêm 4 ngày, tổng chi phí cho tổng số khách trên ít nhất là trên 1.200 tỉ đồng. Vậy, doanh thu 1.200 tỉ đồng nhưng chỉ nộp khoảng 11 tỉ đồng tiền thuế, liệu có hợp lý? Tất nhiên, để bù lỗ và kiếm lời, những người điều hành tour tìm mọi cách hạ chất lượng dịch vụ để giảm chi phí…, nhưng vẫn phải trong đợi vào “bầu sữa” chính – các điểm bán hàng với giá “cắt cổ”, hàng hóa mập mờ nguồn gốc và trốn thuế.

Trong những lần lọt vào các điểm bán hàng này tại Hạ Long, chúng tôi đã thu thập được những hóa đơn thanh toán nội bộ, với trị giá hàng trăm triệu đồng/đoàn khách, ghi rõ tỉ lệ ăn chia ra sao, trong khi có những điểm mỗi ngày đón hàng chục đoàn khách.

3 máy POS nhập lậu để chuyển 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) trái phép về Trung Quốc của một điểm bán hàng tại Bãi Cháy, TP.Hạ Long bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ tháng 4.2018. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hiện, hầu hết các điểm bán hàng cho khách Trung Quốc đều được lắp đặt hệ thống thanh toán điện tử. Tuy nhiên, trong trường hợp thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua các hình thức khác, nhất là qua máy POS lậu thì các cơ quan chức năng cũng đành chịu.

Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Văn Đoan – Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Quảng Ninh – thừa nhận, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc, nhưng không thể kiểm soát được việc thanh toán bằng máy POS lậu, để chuyển tiền về Trung Quốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn