MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu gom muối trên mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở xã Đỉnh Bàn. Ảnh: Trần Tuấn.

Diêm dân "sống khoẻ" nhờ làm muối sạch trên ô kết tinh trải bạt

TRẦN TUẤN LDO | 11/07/2023 10:53

Hà Tĩnh - Tham gia mô hình làm muối sạch trên ô kết tinh trải bạt lần đầu tiên trên địa bàn, diêm dân ở xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) phấn khởi vì những ưu điểm mà mô hình mới này mang lại.

Làm không đủ bán

Chiều ngày 10.7, khi trời chưa tắt nắng, những diêm dân thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn tham gia trong mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở cánh đồng muối thôn Tân Phong đã khẩn trương thu gom muối sau một ngày làm nghề.

Ông Trần Văn Tiến (62 tuổi) và vợ là bà Đặng Thị Sáng (62 tuổi) đang thu gom những mẻ muối cuối cùng trên bạt để cho vào bao tải.

Vợ chồng bà Sáng đã hơn 60 tuổi vẫn tham gia sản xuất muối với mô hình mới trên ô trải bạt. Ảnh: Trần Tuấn

“Làm muối trên ô lót bạt nhanh kết tinh muối hơn, cho sản lượng cao hơn và sạch hơn nên thị trường ưa chuộng, làm bao nhiêu cũng không đủ bán” - bà Sáng phấn khởi.

Cũng theo bà Sáng, dù đã cao tuổi nhưng vợ chồng bà vẫn chưa thể bỏ nghề làm muối được, bởi dù vất vả nhưng nó vẫn đang cho thu nhập tương đối cao.

“Mỗi ngày, vợ chồng tôi làm được khoảng 2 tạ rưỡi đến 3 tạ muối, bán giá 250.000 đồng mỗi tạ, tính ra một ngày cũng kiếm được 5 đến 7 trăm ngàn” - bà Sáng chia sẻ.

Gom muối đã kết tinh trên bạt. Ảnh: Trần Tuấn

Gia đình bà Sáng là một trong 5 hộ dân đầu tiên ở xã Đỉnh Bàn tham gia mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở thôn Tân Phong do Trung Tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà tổ chức thí điểm, mỗi hộ làm 2 sào (1000m2). Tiền bạt được tài trợ và lắp đặt, diêm dân chỉ việc hàng ngày ra sản xuất muối bán lấy tiền.

Dù đã lớn tuổi nhưng bà Sáng cho hay, nếu mô hình mở rộng thêm diện tích thì ông bà còn nhận thêm để sản xuất muối trên bạt như thế này.

Gia đình ông Phương sau khi thu gom muối xong đang chùi sạch lại bạt để ngày hôm sau tiếp tục sản xuất muối. Ảnh: Trần Tuấn

Cùng tham gia mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt ở thôn Tân Phong, ông Trần Văn Phượng (58 tuổi) cũng cho rằng sản xuất muối trên bạt thời gian kết tinh thành muối nhanh hơn và cho được nhiều muối hơn, chất lượng muối sạch hơn. Tuy nhiên, nó có thêm công đoạn sau khi thu gom muối của hôm nay xong phải cho nước vào chùi sạch bạt để hôm sau tiếp tục làm mẻ muối mới.

Mong mở rộng quy mô sản xuất muối

Ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho biết, nghề làm muối ở địa phương này phát triển mạnh nhất vào những khoảng những năm 1965 - 1975. Sau đó, trải qua thăng trầm, khó khăn nhiều diêm dân bỏ nghề.

Những năm gần đây có khoảng 20 - 25 hộ dân theo nghề làm muối. Năm 2023, huyện Thạch Hà có Nghị quyết 23 về việc hỗ trợ xã Đỉnh Bàn một mô hình làm muối sạch trên ô kết tinh trải bạt.

Những thúng muối trắng tinh, sạch sẽ được làm từ mô hình lót bạt . Ảnh: Trần Tuấn.

Mô hình mới này được triển khai thí điểm trên cánh đồng muối thôn Tân Phong trên diện tích 5.000m2 với 5 hộ diêm dân tham gia. Ngân sách huyện đầu tư mua bạt và tiến hành lót bạt giúp diêm dân. Ngoài ra còn đưa diêm dân ra Diễn Châu (Nghệ An) để học hỏi, tập huấn.

Ông Tùng khẳng định mô hình sản xuất muối sạch trên ô kết tinh trải bạt có nhiều ưu điểm so với cách sản xuất truyền thống.

Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn tính toán, mỗi sào muối một ngày cho khoảng 2 tạ muối, bán giá 250.000 đồng/tạ thu được 500.000 đồng. Một vụ muối vào hè thường cho khoảng gần 100 ngày nắng để sản xuất muối mà không mất tiền đầu tư.

Lãnh đạo xã Đỉnh Bàn mong muốn mở rộng quy mô sản xuất muối vì cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với làm ruộng. Ảnh: Trần Tuấn

Trong khi làm ruộng mỗi sào một mùa cũng kéo dài khoảng 3 tháng nhưng chỉ thu được khoảng 3 tạ lúa, bán được gần 2 triệu đồng mà chưa trừ chi phí giống, tiền cày, tiền gặt, phân bón, thuốc trừ sâu.

“Làm muối vất vả hơn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn hàng chục lần so với làm ruộng. Chúng tôi đang khuyến khích bà con nhân dân mở rộng quy mô sản xuất muối để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống” - ông Tùng nói và chia sẻ thêm, toàn xã Đỉnh Bàn có 49 ha đất làm muối, hiện có 28 hộ sản xuất muối trên diện tích 38 sào.

Trong khi, toàn xã có 137 ha đất lúa nhưng chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè - thu hàng năm phải bỏ hoang vì không có nước tưới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn