MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp lớn lỗ hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: CSC

Điểm danh những "ông lớn" lỗ hàng trăm tỉ đồng thời COVID-19

Minh An LDO | 09/11/2020 21:35
Dịch COVID-19 như một cơn bão quét qua nền kinh tế, khiến nhiều doanh nghiệp liêu xiêu. Điều này được thể hiện rõ nét qua báo cáo tài chính quý III được công bố. Lũy kế 9 tháng, nhiều “ông lớn” trên thị trường lỗ vài trăm tỉ, thậm chí lên tới 10 ngàn tỉ đồng.

Vietnam Airlines dự kiến lỗ vài chục tỉ đồng/ngày đến năm 2021

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) là đơn vị chịu những cú đánh trực diện từ đại dịch COVID-19.

Qúy III vừa qua, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ trước thuế thêm 3.912 tỉ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế 9 tháng lên gần 10.472 tỉ đồng.

Khoản lỗ kể trên đã vượt lợi nhuận của Vietnam Airlines trong 5 năm từ 2015 đến 2019 (10.380 tỉ đồng).

Vietnam Airlines dự kiến mức lỗ hơn 10 ngàn tỉ năm 2020 sẽ kéo dài sang năm 2021 do thị trường nội địa có phục hồi nhưng giá vé vẫn quá thấp, thậm chí dưới 50% mức giá năm 2019 do các hãng đều dồn cả vào thị trường nội địa, giá cạnh tranh nhau từng đồng.

Như vậy, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, Vietnam Airlines sẽ lỗ xấp xỉ 30 tỉ đồng/ngày.

Cùng với khoản thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng, Vietnam Airlines cũng đối mặt với áp lực rất lớn về thanh khoản.

Tại ngày 30.9, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng gấp đôi so với đầu năm, ở mức 11.684 tỉ đồng. Tiền gửi ngắn hạn giảm mạnh từ 3.579 tỉ về 656 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines rơi vào trạng thái âm gần 6.270 tỉ đồng, trong khi năm trước dương gần 7.874 tỉ đồng.

Vietjet lỗ ròng hơn 900 tỉ đồng

Theo báo cáo tài chính quý III.2020 hợp nhất của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) vừa công bố, Vietjet đạt doanh thu 2.809 tỉ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2019 và lỗ 971 tỉ đồng.

Trong đó, hoạt động chính của Vietjet là dịch vụ vận tải hàng không ghi nhận 2.802 tỉ đồng doanh thu và lỗ ròng 926 tỉ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu 13.780 tỉ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của hãng âm gần 925 tỉ đồng.

Trong kỳ, Vietjet cũng đã mở mới thêm 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách, đưa tổng đường bay nội địa lên 52 đường bay.

PV OIL lỗ ròng trở lại, dòng tiền kinh doanh âm nặng

Sau quý II có chút khởi sắc, sang quý III, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) lại lỗ ròng 24 tỉ đồng. Tính chung 9 tháng, doanh thu thuần của PVOil giảm 31%, đạt 40.919 tỉ đồng. Lỗ ròng của cổ đông công ty mẹ là 265 tỉ đồng.

Khoản lỗ 9 tháng đầu năm đã nâng số lỗ lũy kế của PVOil lên 1.059 tỉ đồng. Tại ngày 30.9, tổng tài sản của PV Oil giảm hơn 6.050 tỉ đồng so với đầu năm, ở mức 20.429 tỉ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 529 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ âm gần 683 tỉ đồng). Tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 22%, ở mức 1.651 tỉ đồng.

Công ty sở hữu taxi Vinasun chồng chất khó khăn

Vốn đã phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe công nghệ trong vài năm trở lại đây, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - chủ sở hữu thương hiệu taxi Vinasun lại phải chịu thêm cú đánh bồi từ COVID-19 trong năm 2020.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Vinasun cho thấy lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của hãng này giảm một nửa so với cùng kỳ 2019, đạt 743,7 tỉ đồng. Với sự sa sút doanh thu như trên, chưa tính các chi phí thường xuyên (chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp...), doanh thu thuần thậm chí không đủ bù giá vốn trong kỳ.

Theo đó, riêng lợi nhuận gộp đã bị âm 21 tỉ đồng trong quý III và âm 35,5 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp giảm mạnh như trên, riêng quý III, lợi nhuận sau thuế quý III/2020 của Vinasun âm 57 tỉ đồng (cùng kỳ năm trước dương 41,4 tỉ đồng).

Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Vinasun âm 185,3 tỉ đồng (cùng kỳ dương 94 tỉ đồng).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn