MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tại La Phù, dễ thấy nhiều những hộp bánh kẹo có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: N.Cường

Điểm đen hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Cường Ngô LDO | 22/11/2023 07:44

Những ngày này, tại các xã được coi là điểm đen buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), xã Đoàn Tùng (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương)... người xe ra vào tấp nập. Ai nấy đều thoăn thoắt, đóng gói, bốc vác hàng lên xe, tỏa đi đủ hướng. Các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo, mứt Tết, nước giải khát, trong đó có nhiều loại giả các thương hiệu nổi tiếng.

Hàng giả vi phạm ở mọi cấp độ

Trần Trang (32 tuổi, Phú Thọ) là giáo viên mầm mon tại một trường tư thục ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Thu nhập từ đồng lương giáo viên ít ỏi, chỉ vài triệu đồng, không đủ nuôi 2 đứa con nhỏ, chị đã mở thêm shop bán quần áo online trên Facebook và Tiktok. Mỗi ngày, vào 2 khung giờ (9h sáng và 20h tối), chị livestreams bán hàng trên hai nền tảng này. Hàng của chị chủ yếu được nhập ở huyện Thanh Miện (Hải Dương).

Một chiếc áo gắn mác Versace được tiểu thương này nhập với giá 30.000 đồng, bán ra từ 60.000-90.000 đồng/chiếc. Khách hàng chủ yếu là công nhân, sinh viên, nhân viên văn phòng. “Thời điểm này, thời tiết bắt đầu vào đông, lượng tiêu thụ quần áo thu đông khá tốt, mỗi ngày chị bán được từ vài chục đến gần trăm chiếc” - Trang nói.

Theo lời giới thiệu của chị Trang, phóng viên tìm về xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) để "mục sở thị" việc buôn bán hàng hoá nơi đây. Trong vai người mua buôn quần áo, phóng viên được chị T (chủ cửa hàng M.T) mời chào những mẫu quần áo mà theo lời chị T quảng cáo là “hot trend”. Những mẫu quần áo đều gắn các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ ở Việt Nam như Versace, Chanel, Gucci… với mức giá “thật bất ngờ” chỉ từ 30.000 đến 50.000 đồng/chiếc.

Thấy tôi ngạc nhiên vì giá quá rẻ nhưng quần áo lại in toàn thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, chủ cửa hàng cho hay: “Hàng do xưởng của địa phương sản xuất, nên mới có giá mềm như vậy. In mấy thương hiệu nổi tiếng lên áo cho đẹp, thu hút khách, chứ không phải hàng thật”.

Ở xã Hồng Phong (huyện Thanh Miện) tình hình buôn bán cũng tấp nập không kém. Tại đây, nhiều cửa hàng nối tiếp nhau bán quần áo may sẵn đủ chủng loại. Tại các cửa hàng, rất nhiều mặt hàng quần áo có dấu hiệu giả mạo các hãng thời trang nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Uniqlo… được bày bán công khai.

Tại La Phù, dễ thấy nhiều những hộp bánh kẹo có tên gọi na ná những thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: Nguyễn Long

"Thủ phủ bánh kẹo" La Phù đầy rẫy hàng vi phạm

Ghi nhận của Lao Động tại "thủ phủ bánh kẹo" xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), thời điểm này, mặc dù chưa đến cao điểm Tết Nguyên đán 2024, nhưng từ 8 giờ sáng, những chiếc xe tải chở đầy các thùng bánh kẹo xếp hàng dài, nối đuôi nhau di chuyển trên con đường chật hẹp từ cổng chào được gắn biển "Làng nghề xã La Phù - Kính chào quý khách".

Trong vai khách bỏ mối buôn, phóng viên tiếp cận chủ một kho hàng tên H có cửa hàng nằm sát mặt đường. Người này cho biết, kho hàng của bà "chuyên trị đồ La Phù". Đúng như quảng cáo, hàng ở đây "giá rẻ như cho".

“Bánh bông lan trứng muối 145.000 đồng/thùng có 12 hộp to; bánh trứng nhiều loại, có loại 160.000/thùng 16 hộp, có loại 190.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 165.000 đồng/thùng 12 hộp, loại 265.000 đồng/thùng 12 hộp”; bánh Custard, Chocopia bán với giá 280.000 đồng/thùng 20 hộp (khoảng 14.000 đồng/hộp).
Chia trung bình thì mỗi hộp bánh có giá rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng. Trong khi giá bán của thương hiệu nổi tiếng như Custas, Chocopie... trên thị trường dao động ở khoảng 50.000 - 60.000 đồng/hộp. Tính sơ qua đã thấy các thương buôn sẽ “lãi to" như thế nào khi bán hàng “dởm”.

Khi thắc mắc tại sao giá các hộp bánh kẹo lại rẻ như vậy, bà H nói rằng, đây là hàng "gia công" của những thương hiệu nổi tiếng. Hàng này được sản xuất ở ngay các xưởng trong xã, nên giá rẻ hơn nhiều. “Hàng này tiêu thụ chủ yếu ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa".

Đáng chú ý, ở "thủ phủ" bánh kẹo La Phù, những thùng bánh kẹo thường có tên na ná các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, lại được viết lệch đi, hoặc thêm bớt một hai từ gây nhiễu, hiểu lầm cho người mua. Chẳng hạn, thương hiệu bánh trứng nổi tiếng Custas được “phù phép” thành Custasd, Custar; Cosy thì biến thành Goszy.

Đặc biệt, theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều đại lý ở La Phù, có rất nhiều loại bánh quy, hay hạt hướng dương được đóng trong các bao bì có chữ Trung Quốc, không có hạn sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn