MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Điểm mặt, chỉ tên" những đơn vị để xảy ra thiếu điện

Cường Ngô LDO | 21/06/2023 13:46

Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường chia sẻ với Lao Động, Bộ Công Thương, EVN là đơn vị cấp cao quản lý hệ thống điện quốc gia, nhưng để xảy ra tình trạng thiếu điện, EVN phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thiếu điện "nước đến chân mới nhảy", Quốc hội cần vào cuộc

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình huống thiếu điện. Ông nhận định thế nào về trách nhiệm của các đơn vị thuộc EVN khi không đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh?

- Hiện EVN đã yêu cầu Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác tính toán, dự báo nhu cầu; huy động tổ máy; điều tiết, điều độ, vận hành hệ thống điện; điều hành thị trường điện.

Công ty Mua bán điện (EVNEPTC), Ban quản lý các dự án điện 1, 2, 3, Trung tâm dịch vụ sửa chữa (EVNPSC) và các công ty, nhà máy điện trực thuộc EVN cũng được yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan... tôi cho rằng điều này là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, EVN là đơn vị cấp cao quản lý hệ thống điện quốc gia, để xảy ra tình trạng thiếu điện, EVN phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Còn nếu EVN đã tạo mọi điều kiện cho các đơn vị cấp dưới thực hiện nhưng không làm được thì mới xét đến trách nhiệm của họ.

Tại sao lại thiếu điện, thưa ông?

Cuối tháng 4, EVN đã dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Việc thiếu điện không còn là nguy cơ nữa khi một số nơi đã thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) là đơn vị trực tiếp vận hành hệ thống điện. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của A0; ở đây họ có những chuyên gia điện giỏi nhất, lương cao nhất, có nhiệm vụ vận hành hệ thống điện ổn định, không để xảy ra các sự cố điện.

Khi A0 vận hành hệ thống điện, thị trường điện thì phải dự báo trước những khó khăn về điều kiện thời tiết, nguyên vật liệu đầu vào, nguồn cung, từ đó đưa ra các giải pháp để không xảy ra tình trạng thiếu điện.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra việc thiếu điện, điều này chứng tỏ A0 "nước đến chân mới nhảy".

Rất nhiều thuỷ điện trên cả nước những ngày qua xảy ra tình trạng thiếu nước, về mực nước chết. Tại sao không có các kịch bản từ nhiều tháng trước để có biện pháp xử lý ngay.

Thiếu nước, rồi lại thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện, điều này do năng lực quản lý của A0 không tốt. Nếu dự báo tốt, có kế hoạch từ trước sẽ không bị động như hiện tại.

Những trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của A0, phải báo cáo lãnh đạo EVN, Bộ Công Thương, từ đó Bộ Công Thương báo cáo lên Chính phủ để Chính phủ điều hành. Ngoài ra, nhiều nhà máy điện cũng sửa chữa, bảo dưỡng, ảnh hưởng đến công tác vận hành.

TS Ngô Đức Lâm. Ảnh: Anh Tuấn

Có ý kiến cho rằng, Quốc hội cũng cần vào cuộc để giám sát việc thanh tra tình hình cung ứng điện, ý kiến của ông như thế nào?

Việc thanh tra tình hình cung ứng điện là điều rất tốt để xem các khâu, các đơn vị vướng mắc, khó khăn ở đâu, để có biện pháp xử lý. Nếu bộ phận làm tốt sẽ được Nhà nước động viên, khuyến khích; còn làm không tốt, có khuyết điểm, thanh tra sẽ có đề xuất xử lý. Việc này là bình thường.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, việc thanh tra tình hình cung ứng điện không chỉ do Chính phủ, Bộ Công Thương làm, mà Kiểm toán Nhà nước cũng cần vào cuộc.

Đặc biệt, Quốc hội cũng cần có đoàn giám sát việc này. Sau thanh tra đó, Quốc hội cần xem xét, đánh giá lại số liệu, kết quả, báo cáo đó có đúng không? Bên cạnh đó, nếu có những khuyết điểm lớn, cơ quan phòng chống tham nhũng, công an cũng cần vào cuộc để xem xét.

Bộ Công Thương có trách nhiệm cụ thể thế nào trong việc để xảy ra thiếu điện, thưa ông?

- Cứ đến mùa hè ở miền Bắc năm nào cũng điệp khúc thiếu điện cũng trở thành bài ca liên hồi, khiến người dân, doanh nghiệp không chịu nổi. Nhiều doanh nghiệp không thể sản xuất vì không có điện, có doanh nghiệp vụt mất hợp đồng vì thiếu điện để sản xuất.

Ngoài trách nhiệm của EVN, thì trách nhiệm Bộ Công Thương, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng rất lớn. Hai cơ quan này có vai trò chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với nhau để đảm bảo đủ điện cho sản xuất.

Để thiếu điện, chứng tỏ các bộ ngành chưa đôn đốc thường xuyên, chưa sát sao trong việc chỉ đạo, điều hành.

Thiếu điện, lỗi do sự yếu kém trong vận hành

Quy hoạch Điện VIII đã ban hành, nhưng không thể đầu tư nguồn ngày một ngày hai. Như vậy, có khả năng thiếu điện vài năm nữa, thưa ông?

- Tôi cho rằng, sẽ thiếu điện! Lấp đầy khoảng trống thiếu điện là chưa thể làm ngay được. Cho nên, không thể kỳ vọng có quy hoạch là đủ điện ngay.

Thứ nhất, những dự án chuyển tiếp từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh sang Quy hoạch Điện VIII, rất nhiều dự án chậm tiến độ. Những nhà máy này lẽ ra phải hoàn thành sớm trong giai đoạn 2021-2023 sẽ không thiếu nguồn, nhưng đến giờ vẫn chưa làm được.

Thứ hai, Quy hoạch Điện VIII với mục tiêu chuyển đổi năng lượng, phát triển hệ sinh thái năng lượng tái tạo và xuất nhập khẩu điện được yêu cầu thực hiện từ năm 2019 nhưng sau gần 4 năm từ lúc khởi thảo xây dựng thì đến ngày 15.5.2023, quy hoạch này mới chính thức được phê duyệt.

Do vậy, việc thực hiện các dự án theo Quy hoạch Điện VIII sẽ chậm hơn dẫn đến thiếu các dự án nguồn điện. Bên cạnh đó, đường truyền tải làm được ngay không; Thủ tục cho điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” như thế nào cũng là những câu hỏi lớn.

Do vậy, Nhà nước phải ráo riết đôn đốc các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh việc thực hiện các dự án nguồn điện, giải quyết, gỡ khó các vướng mắc về thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính.

Việc đầu tư nguồn điện chậm tiến độ, các doanh nghiệp thường nói do thủ tục, vậy lý do này ông thấy có thuyết phục?

Tôi nghĩ không thuyết phục, bởi hiện nay khó nhất là cơ chế giá chuyển tiếp các dự án điện mặt trời, điện gió có vướng mắc về cơ chế giá đã tạm thời được giải quyết.

Cụ thể, Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích (giá FIT) điện mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 31.12.2020. Quyết định 39 về giá FIT cho điện gió cũng hết hiệu lực từ ngày 31.10.2021.

Song, vừa qua, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã thống nhất được phương án giá mua điện tạm thời (chưa bao gồm thuế GTGT) với hàng chục dự án năng lượng tái tạo.

Hiện nay, tổng công suất đặt của hệ thống điện vào khoảng gần 80.000 MW, nhưng công suất khả dụng chỉ hơn 45.000 MW. Trong khi năm 2023, đỉnh phụ tải có thể lên tới gần 49.000 MW. Vậy cần bao nhiêu MW thì đủ điện cho đất nước, thưa ông?

- Về nguyên tắc, nguồn điện chủ động (nguồn ổn định) phải lớn hơn phụ tải đỉnh từ 10-20%. Tức là Việt Nam cần ít nhất 54.000 MW nguồn chủ động mới cảm thấy an toàn.

Quy hoạch Điện VIII đã tính đủ nguồn điện chủ động, nhưng tại sao thiếu điện, là do thuỷ điện thiếu do thiếu nước, năng lượng tái tạo chưa thống nhất giá kịp thời, nên thiếu hụt gần 5.000 MW; hay các dự án nhiệt điện gặp sự cố.

Đây là lỗi chủ quan, thể hiện sự yếu kém trong công tác vận hành, không phải do quy hoạch.

Do vậy, thời gian tới cần huy động mọi nguồn lực, các giải pháp kỹ thuật để duy trì độ sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện và đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố. Cùng đó, ngành điện đẩy nhanh đưa các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp vào vận hành.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn