MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại diễn đàn (ảnh:PK).

“Điểm nghẽn” cần khai thông để TPHCM trở thành trung tâm tài chính

Thế Lâm - Phạm Khanh LDO | 18/10/2019 18:27
Những “điểm nghẽn” này được các chuyên gia kinh tế, tài chính đề cập và nhấn mạnh nhiều lần tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 xoay quanh chủ đề “Phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

Theo thạc sĩ Phạm Xuân Hòe đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chiến lược ngân hàng trình bày bài tham luận tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019, đây là thời điểm vàng để TPHCM đại diện Việt Nam phát triển trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài hạn và còn rất nhiều việc phải làm cũng như có rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là thể chế, đặc biệt là chính sách thuế; tiếp đến là cơ sở hạ tầng; chính sách đãi ngộ…

Ông Hòe đặt vấn đề: Liệu có nên có cơ chế đặc thù và thử nghiệm TTTC TPHCM không? Và ông đưa ra kiến nghị: “Mấu chốt vẫn là thể chế tầm quốc gia và quyền chủ động của thành phố để xây dựng TTTC quốc tế tại TPHCM”.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng, trong bối cảnh nhiều thách thức là tỉ lệ ngân sách được giữ lại tại TPHCM ngày càng giảm (từ 29% năm 2006 xuống còn 18% hiện nay), các chính sách thuế phí đều ở tầm quốc gia, đồng tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa.v.v…, yếu tố cơ bản để thúc đẩy TPHCM trở thành TTTC khu vực và quốc tế là phải đi theo con đường mới, tìm ra các ngách bứt phá.

Đại biểu tham dự trao đổi trong giờ giải lao (ảnh:PK).

Ông Tự Anh cũng đề xuất ba giai đoạn xây dựng TTTC TP.HCM, gồm: TTTC quốc gia – TTTC khu vực – TTTC quốc tế.

Thách thức về thể chế để xây dựng TPHCM trở thành TTTC quốc tế vẫn là vấn đề được các chuyên gia nhấn mạnh hàng đầu tại diễn đàn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập đến tính khả thi của TTTC quốc tế TPHCM. Tuy nhiên, yếu tố mang tính tiên quyết được ông nhấn mạnh là thể chế: “Thể chế để TPHCM trở thành TTTC quốc tế phải vượt trội so với các địa phương khác trong nước, và vượt trội so với các TTTC khác trên thế giới để thu hút đầu tư”.

Trao đổi riêng với PV Lao Động bên lề diễn đàn, tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV – cho rằng, một trong những điểm nghẽn hàng đầu và trước tiên cần khai thông cũng chính là thể chế.

Có hai vấn đề xung quanh chính sách tài chính tiền tệ: Một là việc tiến tới cho phép đồng tiền Việt Nam chuyển đổi tự do trong khu vực. Thứ hai là tự do hóa dòng vốn. Những điểm nghẽn nữa theo ông Lực là chất lượng môi trường pháp lí, đặc biệt là khâu thực thi, phải đảm bảo rất là tốt để thu hút được sự tin tưởng của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Với “điểm nghẽn” cơ sở hạ tầng, tiến sĩ Lực cho rằng còn rất nhiều việc phải làm. Về điểm nghẽn nguồn nhân lực, ông Lực cho rằng Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng đã có sẵn một đội ngũ, tuy nhiên còn phân bố rải rác thiếu tập trung.

Hơn thế nữa, đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính ở Việt Nam chưa phải là nhiều và cũng chưa đạt tầm khu vực, cụ thể là tiếng Anh. Rõ ràng, trình độ nguồn nhân lực về tài chính của Việt Nam cũng còn cách biệt rất xa so với các nước trong khu vực.

Phát triển trở thành TTTC quốc tế còn liên quan đến nền tảng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu. “Muốn phát triển tài chính số và ngân hàng số phải có cơ sở dữ liệu chuẩn. Giải pháp là xây dựng đề án chiến lược, cho phép TPHCM cơ chế đặc thù nhất định để trở thành TTTC của quốc gia và khu vực”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn