MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất công nghiệp tăng trong 8 tháng qua sẽ tạo đà hỗ trợ tăng trưởng năm 2021.Ảnh minh họa: Vũ Long-Ngọc Hân

Điểm sáng xuất khẩu: 212,55 tỉ USD trong 8 tháng

Phong Nguyễn LDO | 01/09/2021 08:30

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến căng thẳng trong 8 tháng năm 2021, đặc biệt là đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố. Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 19, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn nhiều điểm lạc quan, thắp sáng niềm tin của Chính phủ và người dân vào tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.

“Điểm sáng” trong đại dịch: 27 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD

Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỉ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỉ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỉ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%. Trong 8 tháng năm 2021 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch XK, đặc biệt, có 6 mặt hàng XK trên 10 tỉ USD, chiếm 63,1%.

Điều đáng nói là, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, nhưng XK vẫn bứt phá lạc quan, tiếp tục phát huy được ưu thế của 27 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỉ USD (chiếm 89,7% tổng kim ngạch XK).

“Đặc biệt, điều đáng lạc quan là trong 8 tháng năm 2021 xuất siêu sang EU đạt 15,1 tỉ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước” - bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Sản xuất công nghiệp, đầu tư FDI tăng  giữ đà tăng trưởng

Chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản xuất kim loại tăng 30,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 23,1%; dệt và sản xuất giường, tủ, bàn ghế cùng tăng 8,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,8%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu tăng 7,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%...

Cũng trong 8 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,72 tỉ USD... Có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã rót vốn đầu tư tại Việt Nam. Trong đó,  Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 6,2 tỉ USD, chiếm gần 32,5% tổng vốn đầu tư. Điều đáng nói là, nguồn vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam chủ yếu là đầu tư mới. 

Bên cạnh đó, nguồn tin của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 8 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 575 triệu USD, tăng gần 74,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cần giải pháp để vượt thách thức, giữ đà tăng trưởng kinh tế

Dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng, rất khó đạt mục tiêu 6,5% theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 01/NQ-CP. Nhiều ý kiến cho rằng, với diễn biến phức tạp của COVID-19 khiến số ca tử vong vượt 300 ca/ngày, các doanh nghiệp (DN) đang rất chật vật để duy trì sản xuất, thì đạt mức tăng trưởng dương cũng là điều đáng khích lệ.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Độ (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài Chính, Học viện Tài chính), cho biết: Nửa đầu năm 2021 tương đối khả quan, nhưng từ quý III/2021 đã có sự chững lại đáng kể do COVID-19 và giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Triển vọng kinh tế 4 tháng cuối năm rất khó dự báo, vì phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được khống chế trong quý III/2021, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay có thể cao hơn năm ngoái.

“Về tăng trưởng GDP năm 2021 chắc không đáng ngại bởi miền Bắc khống chế tốt dịch bệnh, còn miền Nam đang đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19”-TS Nguyễn Đức Độ nói.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế năm 2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị nhiều giải pháp Chính phủ cần tập trung triển khai từ nay đến cuối năm 2021. Trong đó, cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu.

Đặc biệt, cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, DN và chủ DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19...

Còn theo VCCI, để vực dậy các DN đang khó khăn trong dịch bệnh các chính sách hỗ trợ DN cần thực hiện theo hướng tập trung, đúng đối tượng và theo đúng nhu cầu của DN. Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, như tiếp tục chính sách tiếp tục hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh như du lịch, vận tải, dệt may, da giày, giáo dục, đào tạo: Cho phép cơ cấu lại những khoản vay, tiếp tục giãn nợ, thuế, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới doanh bổ sung vốn lưu động để giúp DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với các chính sách đã ban hành, cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các DN ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các DN thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch COVID-19.

Đặc biệt, VCCI cho rằng, cần quan tâm hơn nữa các DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm DN này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn