MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm tên 2 Bộ giải ngân rất ít đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

TRÍ MINH LDO | 28/06/2023 11:51
Ngày 28.6, Bộ Tài chính có thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm 2023.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, tỉ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ ngành đạt 27,2% (tương đương 3.225 tỉ đồng). 

Về tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài, có 5/11 bộ, ngành có giải ngân nhưng số giải ngân tập trung chủ yếu ở 3 đơn vị là Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (47,42%), Bộ Giao thông Vận tải (30,97%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (30,56%).

2 bộ có số giải ngân rất ít là Bộ Tài nguyên và Môi trường (4,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5,26%).

Hội nghị của Bộ Tài chính sơ kết giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 6 tháng đầu năm, ngày 28.6.2023. Ảnh: Bộ Tài chính

Một số nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công nguồn vay nước ngoài chậm như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; Vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và Chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng; Dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay. Việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn tới chậm ký kết hợp đồng do không đảm bảo nguồn vốn thực hiện, dẫn tới nhiều gói thầu chậm triển khai. 

Vướng mắc do chậm nhận được ý kiến không phản đối của nhà tài trợ hoặc ý kiến chấp thuận của nhà tài trợ đối với hồ sơ mời thầu, hồ sơ có liên quan. Hồ sơ xin ý kiến chưa đầy đủ và do cách thức tổ chức triển khai dự án. 

Các vướng mắc này thuộc trách nhiệm xử lý của ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ. 

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các cơ quan chủ quản, cần rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án và kịp thời nhập vào hệ thống Tabmis (Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và kho bạc) để các dự án có cơ sở giải ngân.

Trong đó tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt, các dự án ưu tiên cần sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng và các dự án sắp hoàn thành, các dự án sắp hết thời hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Trường hợp nhận thấy không đủ khả năng giải ngân do vướng mắc đã quá lâu không giải quyết được, đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác có tính sẵn sàng hơn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn