MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng dầu giảm nhưng giá hầu hết các mặt hàng tại Điện Biên vẫn giữ nguyên hoặc giảm không đáng kể. Ảnh: Thanh Bình

Điện Biên: Giá xăng dầu hạ nhiều, vì sao giá nhiều mặt hàng chưa giảm?

THANH BÌNH LDO | 23/08/2022 17:16

Điện Biên – Chỉ trong vòng 2 tháng, giá xăng dầu trong nước đã giảm tới 6-7 nghìn đồng mỗi lít, tuy nhiên giá hầu hết các mặt hàng vẫn không giảm hoặc giảm không đáng kể.

Điện Biên vốn được coi là một trong những địa phương có chỉ số tiêu dùng đắt đỏ do giá các mặt hàng tiêu dùng bị cộng thêm một phần không nhỏ từ chi phí vận chuyển. Đặc biệt từ đầu năm nay, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến giá các mặt hàng cũng tăng chóng mặt.

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, giá xăng dầu đã giảm từ 6-7 nghìn đồng/lít, đây được coi là tín hiệu vui đối với người tiêu dùng vì đó là cơ sở để điều chỉnh nhiều loại hàng hóa khác. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người tiêu dùng, sau nhiều lần giá xăng dầu giảm thì giá hầu hết các loại mặt hàng tại TP.Điện Biên Phủ và các huyện, thị vẫn đang ở mức rất cao.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm và cả cước vận tải hàng hóa vẫn không giảm hoặc giảm không đáng kể so với 2 tháng trước – khi giá xăng dầu đạt đỉnh trên 30 nghìn đồng/lít. Tại TP.Điện Biên Phủ, gạo tám thơm có giá từ 17 – 18 nghìn đồng/kg; thịt lợn mông sấn dao động từ 120 – 140 nghìn đồng/kg... Các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng vẫn giữ ở mức cao như hồi trước tháng 6.

Giá các mặt hàng tiêu dùng tại Điện Biên vẫn ở mức cao trong khi giá xăng dầu đã giảm từ 6-7 nghìn đồng/lít so với hồi tháng 6.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Duy Dũng – 1 doanh nhân chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi cho hàng chục đại lý ở Điện Biên và khu vực Tây Bắc cũng khẳng định, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ nguyên như hơn 2 tháng trước, thậm chí thức ăn cá còn còn vừa được điều chỉnh tăng 300 đồng/kg.

Giải thích về hiện tượng này, ông Vũ Duy Dũng cho biết: “Hầu hết các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đều chủ yếu dùng nguyên liệu nhập ngoại, mỗi đợt nhập nguyên liệu sẽ đủ để sản xuất từ 3-6 tháng. Do vậy, nếu như giá thức ăn chăn nuôi có giảm thì nhanh nhất cũng phải đến cuối tháng 9”.

Theo đó, giá thức ăn chăn nuôi cung cấp cho các đại lý tại Điện Biên và khu vực Tây Bắc hiện nay vẫn đang ở mức cao, như: Cám cho lợn con dao động từ 510 – 530 nghìn đồng/bao 25kg; cám cho lợn giai đoạn 2 từ 340 – 380 nghìn đồng/bao; cám gà từ 350 – 390 nghìn đồng/bao…

Còn theo lý giải của một số đơn vị kinh doanh thì xăng dầu chỉ là 1 yếu tố, còn nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu hình thành giá hàng hóa. Mới chỉ có giá xăng dầu giảm trong khi các yếu tố như chi phí sản xuất, nguyên liệu vẫn chưa giảm thì khó có thể giảm giá thành sản phẩm hàng hóa trong 1 thời gian ngắn.

Các đơn vị kinh doanh thì giải thích như vậy, tuy nhiên nhiều ý kiến người tiêu dùng lại cho rằng đó không phải là lý do thuyết phục vì ngay sau khi giá xăng dầu tăng thì hầu hết giá cả các loại hàng hóa trên thị trường cũng lập tức tăng theo.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Vũ Hồng Sơn – Giám đốc Sở Công thương Điện Biên cho biết, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các huyện, thị, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá phù hợp, đảm bảo bình ổn thị trường. Đồng thời theo dõi sát diễn biến giá cả để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp bình ổn giá.

“Tuy nhiên việc điều chỉnh giá các đơn vị kinh doanh thực hiện rất chậm” – ông Sơn nói.

Về giải pháp và cơ chế giám sát, thực hiện bình ổn giá, Giám đốc Sở Công thương Điện Biên cho biết: “Hiện Sở Công thương đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quản lý thị trường, đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn