MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CEO hãng Audi. Ảnh AP

Diễn biến nóng vụ bê bối khí thải: Người đứng đầu hãng xe sang Audi bị bắt

LA LDO | 19/06/2018 10:47
Volkswagen - công ty mẹ của Audi chính thức xác nhận CEO thương hiệu xe sang Audi - Rupert Stadler bị bắt hôm 18.6 vì những nghi vấn liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải trên toàn cầu.

"Chúng tôi xác nhận ông Stadler đã bị bắt. Ông ấy đang được xem xét có được tại ngoại hay không", người phát ngôn của Volkswagen cho báo giới biết.

Còn văn phòng công tố Munich tiết lộ, Stadler bị bắt để đề phòng ông có thể tiêu hủy bằng chứng liên quan tới vụ bê bối gian lận khí thải của hãng này.

Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đức công bố phạt Volkswagen một tỉ euro (1,2 tỉ USD) vì gian lận khí thải trên toàn cầu. Những thông tin bất lợi trên đã khiến cổ phiếu Volkswagen mất 2,6% tại Frankfurt.

Ông Stadler, 55 tuổi, gia nhập Audi từ đầu thập niên 90, làm CEO Audi từ năm 2007 và thành viên HĐQT VW từ năm 2010. Được biết, tuần trước, các công tố viên tại Munich đã khám xét nhà Stadler để tìm bằng chứng cho cuộc điều tra đã kéo dài hơn một năm nay.

Việc Audi vướng vào bê bối gian lận kiểm tra khí thải khiến VW lao đao từ năm 2015. Năm ngoái, Audi đã phải thu hồi 850.000 xe. Mới đây, Audi thừa nhận thêm 60.000 xe A6 và A7 chạy động cơ diesel gặp vấn đề về phần mềm kiểm soát khí thải.

Stadler là lãnh đạo cao nhất trong Volkswagen bị bắt giữ kể từ khi scandal nổ ra năm 2015. Vụ bê bối bắt đầu khi VW thừa nhận gần 600.000 xe bán tại Mỹ được cài “thiết bị gian lận” để qua mặt các cuộc kiểm tra khí thải. Hãng này cho biết đã cài phần mềm này trên 11 xe sử dụng động cơ diesel toàn cầu, cho phép bật đầy đủ tính năng kiểm soát ô nhiễm chỉ khi xe bị giới chức kiểm tra.

Vụ bê bối ảnh hưởng nghiêm trọng tới Volkswagen nói riêng và cả ngành công nghiệp ôtô Đức nói chung. Vụ việc đã khiến CEO tập đoàn Martin Winterkor phải từ chức vài tháng sau đó, Volkswagen bị nhiều nước điều tra, vướng vào nhiều vụ kiện tụng và giá cổ phiếu lao dốc, đồng thời phải thu hồi hàng loạt xe và doanh số bán ôtô cũng sụt giảm theo.

Còn tại Việt Nam, dù không bị ảnh hưởng vì bê bối này nhưng thương hiệu xe sang Audi cũng đang gặp không ít khó khăn. Đơn vị này vừa tiến hành triệu hồi hai dòng xe A4 và A5 vì lớp keo kết dính giữa nẹp chỉ (mạ crom) và ốp lưới của loa ở vị trí cửa xe không đạt chất lượng yêu cầu và có thể bị lỏng, rơi ra, từ đó có thể gây nguy hiểm cho hành khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn