MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quang cảnh hội thảo chuyên đề 1 của Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019. Ảnh: Kh.V

Diễn đàn kinh tế VN 2019: Nhiều khuyến nghị chính sách cho Việt Nam

Kh.V LDO | 16/01/2019 12:17
Sáng 16.1 tại Hà Nội, Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 đã chính thức khai mạc với phiên hội thảo chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức. Diễn ra trong 2 ngày từ 16-17.1, Diễn đàn  kinh tế 2019 là Diễn đàn lần thứ 3 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, thu hút, hội tụ trí tuệ của các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế cùng trao đổi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề kinh tế.

Phiên hội thảo tại diễn đàn thu hút các ý kiến của các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia...; các tổ chức quốc tế đa phương như: IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)...

Sáng 16.1, tại phiên Hội thảo chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định việc "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn" là một trong 3 đột phá chiến lược.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” là một trong 3 đột phá chiến lược. (Ảnh minh họa)

Sự đồng bộ thể hiện ở 10 lĩnh vực kết cấu hạ tầng bao gồm: Giao thông; cấp điện; thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị; khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế; thương mại; công nghệ thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế; văn hoá, thể thao, du lịch. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư cho 4 lĩnh vực trọng tâm là hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn.

Để đạt được các mục tiêu về phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong thời gian tới, trong đó có những dự án lớn về giao thông vận tải như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tiếp tục hoàn thành các công trình điện, hạ tầng đô thị lớn, thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu và các hạ tầng khác... thì việc đề xuất các giải pháp toàn diện, trong đó có đề xuất về cơ chế, chính sách để quản trị, huy động vốn đầu tư là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bộ KHĐT đánh giá cao Quỹ tiền tệ quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, AFD, JBIC, JICA..., các tổ chức của Hàn Quốc, Nhật Bản… và các cơ quan nghiên cứu như KDI-PIMAC, các tư vấn, chuyên gia quốc tế... đã, đang và tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc nghiên cứu, đánh giá cũng như việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo hình thức PPP.

“Những hỗ trợ quý báu này đã góp phần giúp cải thiện cơ chế để quản trị, nâng cao hiệu suất đầu tư công, đặc biệt là những nghiên cứu, phát kiến về huy động vốn đổi mới sáng tạo cho kết cấu hạ tầng kèm theo khuyến nghị về phân bổ rủi ro cho các bên liên quan. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế được các chuyên gia chia sẻ sẽ là bài học kinh nghiệm quy báu cho Việt Nam trong quá trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong thời gian tới’-Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh.

“Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và mọi người dân Việt Nam được hưởng thụ công bằng từ thành tựu đổi mới và phát triển của đất nước”.

(Ngô Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương) 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn