MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng hiện có rất nhiều mô mình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Ảnh: TN

Điều chỉnh cả nguồn khách lẫn phương thức làm du lịch

Thanh Hải LDO | 12/04/2022 06:24

Sau đại dịch COVID-19, kỳ du lịch dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có thể nói là sôi động nhất, đã phản ánh hết được không khí bình thường mới, thích nghi linh hoạt để phục hồi kinh tế khắp mọi miền đất nước. Tuy vậy, đây cũng là dịp bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần phải điều chỉnh, bổ sung để sớm vực dậy ngành công nghiệp không khói này.

Không nên trông chờ nguồn khách truyền thống

Không có nhiều lễ hội truyền thống, nhưng mùa này hoạt động du lịch tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên trở nên sôi động hơn cả. Bởi đây là khu vực được thiên nhiên ưu đãi, với rất nhiều bờ biển đẹp, cát trắng nước trong, với nhiều khu rừng già nguyên sinh, thác nước hùng vĩ, hoang sơ... Vì vậy, dù chưa có du khách nước ngoài nhưng lượng khách nội địa đã đủ khuấy động không khí tươi vui, đông đúc từ khắp thị thành đến vùng nông thôn.

Tuy vậy, với sự thay đổi cơ cấu nguồn khách, xu hướng thụ hưởng, nghỉ dưỡng của du khách khá lớn sau đại dịch cũng khiến cho giới kinh doanh dịch vụ, lữ hành và cả chính quyền các địa phương lúng túng.

Tại Hội An, thời điểm năm 2019 trở về trước, chính quyền đã tính đến các giải pháp hạn chế lượng khách đổ dồn quá đông đúc trong khu vực phố cổ. Hạn chế số tàu thuyền xuất bến để khống chế số hành khách ra đảo Cù Lao Chàm không được quá 3.000 lượt người mỗi ngày. Tương tự, huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi cũng lên các phương án để hạn chế số khách đổ dồn, gây quá tải, thiếu dịch vụ, nước ngọt trên đảo. Các địa phương cũng từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu tiền cao hơn...

Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm, mọi thứ đã đảo lộn. Không chỉ nguồn khách Nga, Châu Âu mà lượng lớn khách đến từ Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á, Thái Lan, Singapore... đều giảm sút nghiêm trọng. Thời điểm này chưa phục hồi.

Tại Khánh Hòa, ngành du lịch ảnh hưởng rất nặng nề khi chiến sự Nga - Ukraina bùng nổ, kéo dài. Không chỉ việc đi lại bất tiện, khó khăn mà tình hình kinh tế thời chiến cũng làm ảnh hưởng sức tiêu dùng, du lịch của khách Nga - vốn là nguồn khách truyền thống quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ.

Ông Bùi Quốc Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex Vietnam (Anex Tour), cho biết, công ty đã ghi nhận một số khách Nga hủy tour do đồng ruble mất giá. Một số du khách khác lại chọn phương án gác lại ý định đi du lịch vì lo ngại kinh tế sẽ gặp khó khăn vì lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây… đối với nước Nga.

Theo ông Bùi Quốc Đại, trước khi Chính phủ thống nhất phương án đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch từ 15.3, Anex Tour đã thực hiện thí điểm đón khách Nga tới Khánh Hoà. Chiến sự xảy ra,  kéo dài, khiến kế hoạch bị thay đổi. Hiện công ty đã giảm tần suất bay từ 8 chuyến/tháng xuống còn 5-6 chuyến/tháng. Lượng khách cũng chưa lấp đầy chuyến bay nên công ty bù lỗ khá nhiều.

Khách Nga là nguồn chủ lực của Khánh Hòa, nhưng rõ ràng địa phương cần phải tính toán lại cơ cấu nguồn khách trong bối cảnh hiện nay.

Điều chỉnh để thích nghi

Thay vì hạn chế khách đến với đô thị cổ, các quần đảo gần bờ, thì hiện nay chính quyền các địa phương lại khuyến khích. Thậm chí như Quảng Ngãi cũng đã vươn ra, kết nối với Đà Nẵng, cho phép và xúc tiến ngay tuyến du lịch đường biển liên tỉnh để đưa du khách trực tiếp từ thành phố Sông Hàn ra thẳng Lý Sơn.

Với sự thành công của tuyến du lịch đường biển ra đảo Lý Sơn, hiện Đà Nẵng cũng đang xúc tiến việc mở thêm nhiều tuyến biển nối các đảo ven bờ như Cù Lao Chàm, Quảng Nam, Cồn Cỏ, Quảng Trị...

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Phước Sơn, đây là thời điểm tốt nhất để xúc tiến, mở rộng các hoạt động du lịch đường thủy nội địa, ven biển để phục vụ du khách. Trước mắt là khách nội địa, sau đó là khách quốc tế. Từ việc khai thác tốt du lịch sông nước, các đảo ven bờ, Đà Nẵng sẽ kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển dịch vụ du lịch, trải nghiệm trên biển...

Đặc biệt, đón đầu ngay xu thế du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường và tự giãn cách về nông thôn của người dân sau đại dịch, Đà Nẵng đã lập tức triển khai mô mình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025.

Theo đó, 15 mô hình được chọn cho thí điểm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân là người địa phương và các mô hình kết hợp nhiều loại hình sản xuất. Đề án này của Đà Nẵng đã đặt ra nhiều nguyên tắc, quy định nghiêm ngặt về sử dụng đất, xây dựng để đảm bảo không lạm dụng du lịch để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xâm hại môi trường, cảnh quan...

Phương thức du lịch này đã từng thành công ở vùng ven Hội An, đang phát triển mạnh ở khu vực Tây Nguyên, cho thấy sự thích nghi của người dân và các địa phương là rất nhanh chóng, linh hoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn