MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trường dự án Vành đai 4, đoạn qua huyện Đan Phượng, đầu tháng 5.2024. Ảnh: HỮU CHÁNH

Điều chỉnh hài hòa dòng vốn đầu tư công, tránh thiếu vốn vào cuối năm

Đức Mạnh LDO | 16/05/2024 08:20

Tốc độ giải ngân từ đầu năm đến nay được đánh giá là tương đối cao nếu so với các năm gần đây. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề có thể xảy ra là cuối năm một số nơi sẽ thiếu vốn trong khi luôn luôn có tình trạng nơi thiếu và nơi thừa vốn mà không giải ngân được.

Đầu tư công, điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Năm 2024, tổng lượng vốn đầu tư công cần giải ngân thấp hơn năm 2023 khoảng gần 100.000 tỉ đồng do Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã kết thúc. Tuy nhiên, điểm tích cực là số tuyệt đối giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm lại cao hơn cùng kỳ năm trước. Ước tỉ lệ vốn đầu tư công thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 4.2024 là 115.906 tỉ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch và đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (663.807 tỉ đồng).

Đánh giá về kết quả này, ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho biết, đã thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm của các địa phương và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nghiệm. Từ đó sớm đưa các dự án đầu tư công vào phát huy, tăng hiệu quả chứ không trông chờ vào nguồn đầu tư từ cấp trên hay trông chờ vào các nguồn khác.

“Đây là tỉ lệ giải ngân tương đối cao nếu so với các năm gần đây (trung bình giai đoạn 2015 - 2023 đạt 20,19%). Tỉ lệ giải ngân cao cho thấy các dự án giải ngân đầu tư công vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ” - Khối phân tích từ Chứng khoán Bảo Việt đánh giá.

Mặc dù tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, nhưng theo Bộ Tài chính vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu... là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

Nỗi lo thiếu vốn vào cuối năm

Nhìn vào tốc độ giải ngân từ đầu năm đến nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận thấy một vấn đề có thể xảy ra là cuối năm thiếu vốn. Bởi tình hình nếu cứ tiếp tục tốt như thế này, các bộ, ngành giải ngân tốt thì rất có khả năng đến cuối năm là hết tiền. Đây cũng là tình huống mà vừa qua, Bộ KHĐT đã có báo cáo với Thủ tướng về khả năng dự báo năm nay và 2025 đối với việc lượng vốn thực tế có thể giải ngân được so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

"Ước tính năm nay chúng ta có thể thiếu hơn 100.000 tỉ đồng. Nếu tình trạng đó xảy ra, giải pháp là điều chỉnh hài hòa kế hoạch đầu tư công bởi luôn luôn có tình trạng có nơi thiếu và có nơi thừa. Rõ ràng nơi thừa phải điều chuyển đến nơi thiếu để làm sao có thể giải ngân hết được nguồn tiền, không được ôm tiền, giữ tiền mà không làm gì cả. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng chủ trương rà soát kế hoạch 2024 ngay từ bây giờ để phát hiện sớm những nơi thấy thừa để chúng tôi ghi nhận tổng hợp lại. Đến khi có nơi nào thiếu thì sẵn sàng khoản vốn dư để điều chuyển đến chỗ đó để giải ngân.

Tôi cho rằng, phần vốn thừa chưa hẳn nhiều, nhưng chủ yếu tập trung vào khoản vốn chưa phân bổ. Có những nơi chưa phân bổ hết thì phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Nếu như không phân bổ được thì phải điều chuyển đến nơi khác" - thứ trưởng nêu rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn