MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều mã cổ phiếu chứng khoán giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 17.1.2022. Ảnh: Thế Lâm.

Điều gì khiến hàng loạt cổ phiếu chứng khoán, bất động sản “đo sàn”?

Thế Lâm LDO | 17/01/2022 20:49
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 17.1 mở cửa phiên sáng chưa được bao lâu thì nhóm cổ phiếu chứng khoán bất ngờ lao dốc mỗi lúc một mạnh. Đến thời điểm bước vào phiên chiều, nhiều mã giảm sàn.

Hàng loạt mã cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán như VND, SSI, VCI, HCM, SHS, FPTS, AGR… giảm sàn cho dù lực mua bắt đáy khá là mạnh.

Theo thông tin từ một nhân viên kinh doanh của sàn giao dịch chứng khoán Yuanta Việt Nam, tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp chứng khoán không có gì biến động tiêu cực. Thậm chí ngược lại, nhóm ngành chứng khoán được cho rằng có kết quả kinh doanh quý 4/2021 tiếp tục khả quan.

Tuy nhiên, thị trường đã có phản ứng ngay từ đầu phiên sáng trước thông tin được biết đến rộng rãi là Chỉ thị số 01/CT-NHNN ban hành ngày 13.1 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập đến là “tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…”.

Cũng nhân viên kinh doanh trên cho biết, nhóm ngành chứng khoán bị bán tháo sau thông tin trên vì sự lo lắng các công ty chứng khoán sẽ không còn được thuận lợi trong việc tăng vốn điều lệ theo lộ trình hoàn tất từ nay đến hết tháng 6.2022.

Còn nhóm ngành bất động sản, ngoại trừ một số mã như CII, NBB… được hưởng lợi trực tiếp từ việc đấu giá đất Thủ Thiêm đang trong mạch giảm sàn sau khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, trong phiên giao dịch ngày 17.1, đã có thêm nhiều mã giảm mạnh như NLG, KDH, VRE, KBC, GVR, SZC...

Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 43 điểm, tương ứng mức giảm 2,89%. Toàn sàn HoSE có tới 128 mã giảm sàn, riêng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có tới 5 mã giảm sàn, trong đó có 1 mã ngành chứng khoán, 3 mã ngành bất động sản.

Trên thực tế, nội dung đề cập trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành ngày 13.1.2022 có thực sự sốc đến mức khiến thị trường lao dốc mạnh, đặc biệt là các nhóm ngành chứng khoán và bất động sản?

Chỉ thị được ban hành từ ngày 13.1.2022, tức thứ 5 tuần vừa qua, nếu thực sự gây ảnh hưởng thì 2 phiên giao dịch về cuối tuần trước có thể đã bị tác động.

Mặt khác, nếu so sánh nội dung Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành ngày 13.1.2022 với Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành ngày 7.1.2021, có thể thấy đây là chỉ thị thường niên, mang tính chất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong năm, chứ không phải là chỉ thị mang tính đột xuất, bất thường.

Về mặt nội dung, cả 2 chỉ thị ban hành trong 2 năm 2021 và 2022 đều có nội dung “kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông”.

Điểm khác của chỉ thị năm 2022 là có đề cập thêm yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thảo luận trên một số diễn đàn, nhóm chứng khoán online, thông tin được đưa ra có thể chỉ là cái cớ để cho một số “lái bự” đạp giá mạnh trong phiên đầu tuần.

Sau khi nhiều cổ phiếu bị đạp giá mạnh cũng sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư bị “margin call” buộc phải bán giải chấp để cân bằng tài khoản vay giao dịch ký quỹ, tạo cơ hội cho những “cá mập” đang ôm nhiều tiền mặt mua gom vào các cổ phiếu giá đã giảm xuống mức hấp dẫn trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 sắp đến. Trong đó, nhóm ngành chứng khoán là một trong những tâm điểm chú ý được kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh vượt mong đợi.   

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn